Thấy người ta khép cổng không cho mang bánh kẹo vào thăm trẻ sau khi chị lên tiếng về hành vi ngược đãi trẻ của nhà trường, chị vừa giận vừa lo sẽ không được gặp tụi nhỏ nữa.
Trắng đêm suy nghĩ, chị quyết định cùng 2 bảo mẫu khác viết đơn tố cáo những việc làm mất nhân tính của hiệu trưởng và quản lý Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật và lang thang cơ nhỡ Tia Sáng (Trường Tia Sáng- thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Chị là Bùi Thị Thanh, bảo mẫu tại Trường Tia Sáng. Chị nói: “Tôi làm vì công lý, vì các cháu chứ không phải ganh ghét, trả thù!”. Và hành trình đi tìm công lý của chị bắt đầu từ ngày 14-4-2009.
Bảo mẫu Bùi Thị Thanh trong một lần đến thăm 2 bé Diễm Phúc và Hồng Anh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng
Đạp lên những đe dọa, khủng bố
Khi lá đơn đầu tiên kêu cứu cho 31 trẻ mồ côi, khuyết tật đang sống tại trường được gửi đi, chị cùng 2 bảo mẫu khác gặp không ít trở ngại từ gia đình và người thân bởi họ lo ngại chị sẽ gặp phiền phức, sẽ mất việc làm, mất chỗ ở, thậm chí mất cả mạng.
“Hơn 5 năm gắn bó với trường, tôi cũng có tình cảm với họ (các ông chủ của trường-PV), nhưng nghĩ cảnh các cháu ốm đau mà không được đến bệnh viện, ghẻ lở không được điều trị, thèm thịt, cá không được ăn... tôi xót quá. Rồi những đứa trẻ xinh đẹp, ngoan hiền cứ lần lượt bị “bán” đi, làm tôi nhớ chúng đến phát khóc”- chị Bùi Thị Thanh xúc động kể lại.
Ngày 14-4-2009, lá đơn kêu cứu viết ngắn gọn chỉ có 100 chữ được gửi đi. Khi cơ quan chức năng mời chị lên làm rõ nội dung tố cáo thì cũng là lúc ông Trần Văn Hữu, hiệu trưởng trường và ông Tô Tuấn Anh, người sáng lập trường (hiện đã bị Công an quận Tân Phú-TPHCM bắt giam vì buôn bán hàng cấm) liên tục gọi điện cho chị vừa nài nỉ vừa đe dọa yêu cầu chị rút lại đơn.
Cũng suy nghĩ, cũng mềm lòng nhưng khi mời đến Công an thị xã Bảo Lộc để cung cấp thông tin, chị Thanh vẫn khẳng định: “Họ bán trẻ!”. Từ những thông tin chị cung cấp, tháng 7-2009, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng ra quyết định giải thể Trường Tia Sáng. 31 trẻ được “giải thoát” khỏi ổ “buôn người”.
Đi được nửa chặng đường, hai bảo mẫu khác bỏ cuộc. Cái quán cóc nhỏ xíu cùng chị Thanh dường như yếu ớt trước sự chống phá của kẻ ác. Người nhà khuyên chị bỏ cuộc, về quê an dưỡng tuổi già. Nhưng chị vẫn kiên quyết đi tiếp cuộc hành trình đã chọn vì chị có bà con, xóm làng ủng hộ.
Ngày 7-9-2009, cơ quan điều tra Công an thị xã Bảo Lộc tiến hành khởi tố vụ án mua bán trẻ em ở Trường Tia Sáng. Hai ông Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Mạnh (hiệu trưởng và nhân viên của trường) bị bắt và bị khởi tố về hành vi mua bán trẻ.
Cùng lúc đó, hàng loạt tin nhắn thóa mạ, khủng bố gửi tới tấp vào máy của chị: “Mày là con quỷ cái, tao sẽ không để mày yên...”, “Mày sẽ gặp nạn, sẽ bị trả báo”... Chị run sợ, gọi cho tôi.
Tôi tức tốc lên với chị. Đêm, ngủ với chị, tôi không thể chợp mắt bởi kẻ lạ mặt nào liên tục ném đá trên nóc nhà, tiếng vọng càng lúc càng lớn. Hai chị em vẫn ngủ, sáng ra lại đi tiếp hành trình.
Tôi về TPHCM, chị Thanh lại liên tục gọi điện bảo lần này bị một phụ nữ gọi điện khủng bố, đòi “xử” chị, cứ cách vài giờ chị gọi tôi một lần. Tôi bảo chị lánh nạn, thay sim điện thoại nhưng chị vẫn ở lại và tiếp tục việc phải làm. “Tôi đi tìm công lý, trời thương thì giúp, nếu có chết cũng không oán trách”- chị nói qua điện thoại.
Tháng 10-2009, chị bắt đầu hành trình đi đi về về giữa Bảo Lộc và TP Đà Lạt để làm việc với Công an tỉnh Lâm Đồng.
Mong một phiên tòa công tâm
Thời gian rỗi, gom góp được đồng nào từ quán cóc, chị Thanh lặn lội xuống TPHCM tìm mấy đứa nhỏ. Ngay khi trường giải thể, các trẻ được đưa về tá túc tại chùa Huyền Trang (TPHCM), chị tức tốc gọi điện nhờ tôi chở đến chùa. Cầm bịch trái cây, mấy hộp sữa phân phát cho đám trẻ.
Rồi khi chị ra về, thằng bé Thanh, thằng 113, nhóc Khmer, bé Hiền... khóc sướt mướt không chịu cho chị về. Một tuần sau, tụi trẻ lại được đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lâm Đồng, sau đó được trung tâm bảo trợ xã hội các tỉnh đón về nuôi dưỡng.
Ngày 11-4-2010, tôi cùng chị Thanh đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng thăm 3 cháu đang được nuôi dưỡng tại đây. Chị đeo khư khư cái khẩu trang vì sợ các bảo mẫu nhận ra mặt. Số là mỗi lần chị lên thăm, lần nào ra về, bọn trẻ cũng khóc, đòi theo.
Đến đây hơn 20 lần thì bảo mẫu khuyên chị đừng đến nữa. Cho quà bánh tụi nhỏ xong, chị ra về, dỗ mãi nhưng bé Diễm Phúc và Hồng Anh vẫn khóc. “Ngoan nào, bà ra ngoài mua bánh cho con”- chị nói.
Bé Diễm Phúc mắt đỏ hoe, không chịu: “Bà cởi áo để lại rồi đi, nếu không bà về luôn”. Nhìn 2 bé ôm khư khư cái áo, tôi không cầm được nước mắt.
Cái tình giữa một bảo mẫu và lũ trẻ đã vượt xa mối quan hệ công việc. Một hành trình dài hơn 8 tháng chịu đủ áp lực từ phía gia đình, người thân và cả đối tượng bị tố cáo, đơn độc đi hết hành trình của mình là hành động can đảm, là hành trình của yêu thương.
Đến ngày 31-3-2010, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng chính thức khép lại vụ án, chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố hai bị can Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Mạnh về tội “mua bán trẻ em”, chị mới thanh thản.
Có thể xem đây là kết thúc của một câu chuyện có hậu. Dù trong kết luận điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng chưa thể làm rõ vai trò của ông Tô Tuấn Anh, người sáng lập ngôi trường tai tiếng này.
Tuy nhiên, chúng ta, tôi, chị và những người yêu công lý đang trông chờ ngày TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án ra xét xử. Trông chờ một phiên tòa thật công tâm.
Diễn biến vụ án Ngày 8-7-2009, Báo NLĐ khởi đăng loạt bài điều tra “Ông chủ kho hàng cấm và những thương vụ động trời”, đề cập việc bán trẻ ở Trường Tia Sáng. Sau khi vào cuộc điều tra, tháng 9-2009, cơ quan CSĐT Công an thị xã Bảo Lộc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Mạnh, ông Trần Văn Hữu để điều tra hành vi “mua bán trẻ em”. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an thị xã Bảo Lộc đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều tra. Kết quả, hai đối tượng Mạnh và Hữu thừa nhận đã 3 lần thực hiện hành vi bán trẻ ra cộng đồng với giá 20 triệu đồng/bé. Đầu tháng 4-2010, Công an tỉnh Lâm Đồng chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 2 đối tượng trên.
|
Bình luận (0)