Vụ án buôn bán trẻ em ở Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật Tia Sáng (Trường Tia Sáng - thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đến nay phần nào đã được phơi bày.
Suốt hành trình điều tra vụ việc, chúng tôi luôn đau đáu về số phận 31 trẻ đã từng sống tại ngôi trường này. Bởi khi các ông chủ của trường bị bắt giam, 31 em được các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng phân theo tình trạng sức khỏe và gửi đi nhiều nơi.
Em Bùi Văn Duy (trái), một trong 5 trẻ hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em tàn tật Thị Nghè. Ảnh: Thu Hồng
Những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên
Lần theo những thông tin mà Phòng LĐ-TB-XH thị xã Bảo Lộc cung cấp, trong vòng một tháng, chúng tôi đã tìm ra những đứa trẻ được “giải thoát” khỏi tay các ông chủ Trường Tia Sáng. Trong số 31 trẻ, có 20 em được gia đình đón về, 11 em còn lại hiện đang được cưu mang tại trung tâm bảo trợ xã hội các tỉnh, thành.
Cuối tháng 3-2010, đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em tàn tật Thị Nghè (TPHCM), cô Tống Thị Kim Phụng, giám đốc trung tâm, dẫn chúng tôi đến từng khu phục hồi để tận mắt chứng kiến cuộc sống mới của các em.
Cô Phụng điểm danh: Một là em Bùi Văn Duy (SN 1997) bị bại não, liệt chân; hai là em Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1998) vừa bị bại não lại câm điếc, liệt tay chân; ba là em Hoàng Thị Ái Loan (SN 1995-con trai) bị bại não; bốn là em Trần Mạnh Thắng (SN 1999) và năm là em Đỗ Thị Loan (SN 1996), cả hai đều thiểu năng trí tuệ.
Do tình trạng sức khỏe yếu nên Duy, Hằng và Ái Loan được phân về Khu Thiểu năng 1, riêng Thắng và Loan được phân về Khu Phục hồi 2 để học tập.
Tại Khu Phục hồi 2, Thắng và Loan được dạy chữ, dạy tô màu, xếp hình. Mang cho chúng tôi xem những nét chữ mà các em vẽ, cô Trần Thị Nhàn, người trực tiếp chăm sóc 2 em, cho biết “hai em chịu học, hòa đồng với bạn so với lúc mới vô đã tiến bộ hơn nhiều”.
Nhìn những nét chữ nguệch ngoạc này, chúng tôi mừng thầm vì điều đó chứng tỏ các em đã tiến bộ rất nhiều so với khi còn ở Trường Tia Sáng. Bữa cơm của các em có đầy đủ thịt, cá, trứng và rau, em nào cũng ăn ngon miệng và được vệ sinh chân tay sạch sẽ.
Nhìn các em ăn, cô Phụng rùng mình nhớ lại ngày đầu rước các em về: “Hầu hết các em đều bị ghẻ lở khắp người, chúng tôi phải tách riêng từng em để điều trị ghẻ rồi tiến hành xét nghiệm các bệnh lây nhiễm. Thậm chí các em không có khả năng tự đi vệ sinh, tiểu tiện tại chỗ, cả những em đi đứng được cũng mất khả năng tự chủ. Sau 2 tháng dạy dỗ, đến nay trừ 2 em bị liệt nặng, còn lại đều đã tự đi vệ sinh!”.
Từ phải qua: Thức, Chi, Hưng đang được nuôi dưỡng tốt tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Kim Cương
Một cuộc sống an lành
Tiếp tục hành trình, ngày 12-4, chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Tiếp chúng tôi, cô Nguyễn Thị Trang, phó giám đốc trung tâm, cho biết hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 2 em Vũ Thúy Thanh (SN 1992) và em Tô Hoàng Anh (SN 2006). Ngoài 2 em này, trung tâm mới nhận thêm em Tô Anh Diễm Phúc (SN 2005) do cha mẹ nuôi đưa vào sau vì không có khả năng nuôi dưỡng.
Diễm Phúc nay học lớp lá, còn Hoàng Anh học lớp mầm, hằng tháng tăng cân đều. Cô Trang phấn khởi cho biết: “Sắp tới chúng tôi dự định đăng ký cho Diễm Phúc tiếp tục thẩm mỹ mổ hở hàm ếch để bé có nụ cười hoàn hảo hơn”.
Diễm Phúc rất lanh và thông minh. Khi tôi hỏi: “Sống ở đây con có vui không?”, cô bé trả lời: “Dạ vui, con được đi học và có nhiều bạn mới!”.
Khi các ông chủ Trường Tia Sáng bị bắt, 3 em Lê Hữu Thức, Nguyễn Thế Hưng, Trần Thị Kim Chi cùng các bạn được đưa về nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, cả ba em được Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật tỉnh Đồng Nai nhận bảo dưỡng.
“Khi mới tiếp nhận các em về, em nào cũng gầy xọp vì thiếu ăn và ghẻ lở khắp người vì mất vệ sinh. Hiện nay, các em đã khác hẳn, bé Chi giờ đã đầy đặn, mập thêm 4 kg. Còn Thức và Hưng mỗi bé cũng đã tăng thêm 2 kg. Từ ngày về đây, các bé ăn uống đầy đủ, được chăm sóc đến nơi đến chốn nên cháu nào cũng phát triển thể chất và học hành ngoan, giỏi”- cô Ngô Thị Hằng, giáo viên phụ trách các em, phấn khởi.
Thức và Hưng bị bệnh Down và có biểu hiện yếu cơ nên trí tuệ phát triển chậm. Tuy nhiên, sức khỏe các em tiến triển khá tốt nên đã có thể tự vệ sinh cá nhân và được đi học.
Riêng bé Chi do bị bại liệt và bệnh động kinh nặng nên chưa thể tự đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân và ăn uống đều phải có sự giúp đỡ của các cô. Hằng tháng, trung tâm phải đưa em Chi đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để điều trị và phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 điều trị bệnh động kinh cho bé.
Suốt hành trình đi tìm các em, điều chúng tôi nhận ra: Một vài số phận tuy còn khó khăn nhưng so với lúc ở Trường Tia Sáng, sức khỏe các em đã tốt hơn nhiều và có cuộc sống an lành hơn.
Hạnh phúc!
|
Kỳ tới: Hành trình của sự yêu thương
Bình luận (0)