xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hành xác người già, trẻ em

PHẠM DŨNG - NHƯ PHÚ

Trẻ em bị phơi nắng, dầm mưa; người già còng lưng hít khói bụi để bán hàng… Tất cả số tiền kiếm được đều rơi vào tay những kẻ chăn dắt

Khoảng 15 giờ mỗi ngày, tại ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi (quận 1, TP HCM) lại xuất hiện một ông cụ ngồi bán tăm bông đến tận 23 giờ. Cách đó không xa, tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (quận 1) cũng có một bà cụ ngồi bán mặt hàng này.

Bóc lột người già

Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi nhận thấy hai ông bà cụ được một thanh niên chừng 25 tuổi chở đến vào mỗi chiều và rước đi khi đường phố đã bắt đầu thưa vắng người. Khoảng 22 giờ ngày 25-8, nam thanh niên chạy xe máy đến gần ngã tư nơi ông cụ ngồi bán, dắt ông vào một góc khuất, bỏ hàng vào túi xách, lấy toàn bộ tiền bán được ngồi đếm.
 
Anh ta còn yêu cầu ông đứng dậy, rà soát khắp người như thể kiểm tra ông có giấu tiền hay không rồi kêu lên xe chở về một căn nhà trọ trên đường 3 Tháng 2 (quận 10). Sau đó, anh ta quay xe tiếp tục đi đón bà cụ.
 
img
Người phụ nữ bế đứa trẻ ăn xin dưới trời mưa tầm tã tại ngã tư Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Trãi (quận 5, TP HCM) Ảnh: Phạm Dũng 
img
Kẻ chăn dắt lấy toàn bộ số tiền ông cụ vất vả kiếm được từ việc bán tăm bông tại ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi (quận 1, TP HCM) Ảnh: Phạm Dũng

Một số người dân sống gần nhà trọ của các cụ cho biết mỗi ngày, các cụ bán khoảng vài trăm gói tăm bông do nhiều người đi đường thấy hoàn cảnh đáng thương nên mua ủng hộ, cũng không ít người cho thêm tiền. Toàn bộ số tiền các cụ vất vả kiếm được đều bị những kẻ chăn dắt lấy sạch.

Chiêu trò của các đối tượng chăn dắt cũng rất tinh quái, họ thường xuyên luân chuyển chỗ ngồi bán cho các cụ. Có khi ông cụ bán tăm ở đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) nhưng vài tuần sau, người đi đường lại thấy ông xuất hiện ở đường Lãnh Binh Thăng (quận 11) rồi chuyển về đường 3 Tháng 2 hay ra tận đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)…

Phơi nắng trẻ em

Nhiều ngày qua, tại ngã tư đường Lê Đại Hành - 3 Tháng 2 (quận 11), xuất hiện một người tàn phế nằm trên đường cầm nón xin tiền. Cạnh bên, một phụ nữ bế đứa trẻ sơ sinh gục mặt xuống đất chìa nón kêu gọi lòng trắc ẩn của người đi đường.

Sáng 14-9, tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), dưới cơn mưa tầm tã, 4 đứa trẻ mặc áo mưa nằm tại ngã tư này để xin tiền người đi đường. Sau khi xin được tiền, một đứa trẻ đem vào trụ ATM gần đó đưa cho 2 cô gái chừng 18 tuổi.

Chúng tôi đã đến Công an phường Bến Thành (quận 1) trình báo và phối hợp đưa 2 cô gái chăn dắt cùng 4 em nhỏ về trụ sở. Tại đây, các đối tượng khóc la, yêu cầu được thả ra. Hai cô gái tên Lâm Ni (SN 1996) và Bắc Na (SN 1997). Các đối tượng này khai từ Campuchia sang Việt Nam ăn xin dưới sự chỉ đạo của một phụ nữ. Sau khi lập hồ sơ, các đối tượng được bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ Xã hội TP HCM.

Trong khi đó, tại các ngã tư trên đại lộ Bình Dương (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), những ngày qua chúng tôi đã gặp lại “cố nhân” Nguyễn Thị Bé (22 tuổi, quê xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đang bế bé gái chừng 8-9 tháng tuổi phơi nắng để bán vé số từ 8-16 giờ mỗi ngày. Bình quân một giờ, Bé bán vé số được cho khoảng 20 khách, nhiều người đưa tiền theo kiểu vừa mua vừa cho, thậm chí có người cho tiền chứ không lấy vé số.
 
Trước đó, đầu tháng 8-2013, Bé từng bị Công an phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một áp giải về đồn, cảnh cáo không được đem con phơi nắng suốt ngày để bán vé số. Bé khóc lóc, hứa không tái phạm.

Ngày 14-9, chúng tôi tiếp cận mẹ con Bé, thắt lòng khi nhìn thấy da mặt cháu bé cháy đen, môi khô rám, nứt nẻ, mũi khọt khẹt như thở không nổi vì khói bụi của đường phố. Bé viện những nguyên cớ cũ: “Em vừa bị lừa đổi vé số giả, rồi lại bị giật vé số. Không bán ngoài nắng, vô mát ngồi, mẹ con em chết đói mất”.

Trao đổi về trường hợp trên, ông Nguyễn Văn Sa, cán bộ chuyên xử lý các vụ chăn dắt ăn xin thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, cho biết rất khó xử lý vì người mẹ bán vé số, không phải ăn xin, chỉ có thể nhắc nhở người mẹ phải bảo vệ sức khỏe cho con, không gây cản trở giao thông.

Đáng lưu ý, trên một số tuyến đường ở tỉnh Bình Dương gần đây xuất hiện nhiều hình ảnh như mẹ con Nguyễn Thị Bé, đặc biệt các cháu bé đều ngủ vùi, bất động, giống như được chích thuốc mê. Tuy nhiên như “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, Trưởng CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, cho biết dù nhiều trường hợp cháu bé không phải là con ruột (thuê, mượn của người khác) nhưng không thấy cơ quan nào xử lý những trường hợp bán vé số hành xác trẻ em nên các “hiệp sĩ” không dám bắt giao cho cơ quan chức năng.
 
 
Đà Nẵng dẹp sạch tệ nạn ăn xin

 Từ nhiều năm nay, tệ nạn ăn xin ở TP Đà Nẵng đã được cơ quan chức năng kiên quyết dẹp sạch. Để làm được việc này, TP Đà Nẵng đã huy động nguồn lực từ nhiều sở, ban, ngành, thậm chí người dân cũng phải vào cuộc.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, mỗi năm sở đều tổ chức các đợt ra quân để truy quét và xử lý các đối tượng lang thang, ăn xin, bán hàng rong. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền trên các bảng hiệu, sở còn lập đường dây nóng và một đội xử lý thông tin. Mỗi khi nhận được tin báo, đội xử lý thông tin sẽ cử người lập tức đến hiện trường. Nếu đối tượng mới vi phạm lần đầu sẽ được đưa về địa phương để xác minh, buộc cam kết không vi phạm. Những đối tượng vi phạm nhiều lần được đưa về Trung tâm Bảo trợ Xã hội Đà Nẵng để quản lý. Tại đây, các đối tượng phải lao động, học nghề và được giáo dục không tái phạm.

Thời gian gần đây nổi lên hiện tượng ăn xin núp bóng bán vé số, kẹo cao su. Tháng 6-2013, sở đã ra quy định thưởng nóng cho người dân (200.000 đồng) mỗi khi phát hiện và báo về đường dây nóng của đội xử lý thông tin những trường hợp lang thang ăn xin cũng như bán hàng rong trá hình, chèo kéo khách du lịch.
B.Vân

Phải giải quyết cái gốc vấn đề

Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH TP HCM, hiện sở đang phối hợp các quận huyện, phường xã tổ chức đưa các đối tượng lang thang ăn xin, trong đó có trẻ em, về các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc sở. Tại trung tâm, các đối tượng này sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc, tổ chức học văn hóa, học nghề, lao động sản xuất. Bên cạnh đó, sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nên làm từ thiện đúng chỗ để không bị lợi dụng và không tạo điều kiện cho các tệ nạn ăn xin bùng phát, khó kiểm soát.

Ông Giang cũng nhận định lao động trẻ em và trẻ em lang thang ăn xin chủ yếu là người nhập cư. Vì vậy, muốn giải quyết rốt ráo phải phối hợp với các tỉnh, địa phương có người ăn xin để triển khai quản lý chặt chẽ những đối tượng từng bị ngành chức năng trả về địa phương. Mặt khác, các địa phương phải có trách nhiệm liên hệ những cơ sở uy tín, tạo điều kiện cho các đối tượng ăn xin được học văn hóa, học nghề nhằm tìm được việc làm phù hợp.
P.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo