icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hát giữa ngàn thông

Bài và ảnh: TIỂU QUYÊN

Những chàng trai, cô gái của đại ngàn Ka Sếp, Ka Sáng, Ka Thụ, K’Mi, K’Thúy, K’Lình... bị thần núi lấy đi đôi mắt nhưng lại được trả về cho giọng hát vút cao thanh thoát như tiếng suối, tiếng thông reo

Cứ mỗi sáng cuối tuần, trong căn nhà tuềnh toàng nằm khuất giữa rừng thông Đà Lạt lại vang lên thanh âm của tiếng hát, tiếng đàn giữa mù sương phố núi. “Ở nơi đây chỉ có tấm lòng, ở nơi đây chỉ có tình người...” – những câu hát hòa lẫn tiếng cười để dỗ dành cho những cuộc đời bất hạnh đang phải từng ngày dò dẫm đôi chân bước đi trong bóng tối, cùng nắm tay nhau tìm niềm vui giữa những thanh âm đẹp...

 
Mimosa nơi mù sương phố núi
 
Một chiều nắng nhuộm vàng phố núi, bên hiên ngôi nhà nhỏ - là cơ sở phục hồi chức năng cho người khiếm thị - nằm lặng lẽ dưới chân dốc đường Trần Quang Diệu (TP Đà Lạt), Ka Cường ngồi ôm guitar vừa đàn vừa hát bài Giấc mơ Chapi. Cường hát say sưa như thể xung quanh anh chỉ có đất trời bình yên thấy thông reo, gió thổi. Tiếng hát hào sảng cứ âm vọng giữa núi rừng và nụ cười luôn thường trực trên môi chàng trai của núi, chỉ có đôi mắt là nhìn mải miết về phía trước - mà anh không biết phía ấy là mặt trời.
 
Gần như ngày nào cũng thế, chàng trai khiếm thị đến từ huyện Đam Krông của tỉnh Lâm Đồng này đều dạo những bản hùng tráng của đại ngàn. Ka Cường nói cứ có thời gian là học đàn, rồi hát, học nhiều đến mấy cũng không thấy mệt. Cũng chính vì vậy mà sau hơn 6 năm ôm đàn, anh đã trở thành tay guitar chính của nhóm nhạc Mimosa (gồm 11 thành viên) của cơ sở phục hồi chức năng và khiếm thị.
 
Phòng học nhạc cũng là phòng ngủ của các học viên khiếm thị tại đây. Trống, đàn, sáo, bộ gõ... được đặt ngay bên cạnh giường ngủ và các em có thể luyện tập bất cứ thời gian nào. Cùng phụ trách phần âm nhạc với Cường còn có Ka Đài và Hoàng Vũ Ngọc Khiêm. Năm nay chỉ mới 12 tuổi nhưng cậu bé có mái tóc xoăn và khuôn mặt cá tính Ka Đài lại có thể đàn điêu luyện cả 2 loại nhạc cụ: organ và guitar.
 
Còn Ngọc Khiêm cũng sớm trở thành tay guitar bass cho nhóm nhạc từ lúc lên 10 tuổi. Những cô gái dân tộc dễ thương K’Uyên, K’Hẻm, K’Liên và K’Thi với giọng hát trời phú nghiễm nhiên trở thành “ca sĩ”.
 
 
img
Phòng tập nhạc của nhóm nhạc Mimosa
 
 
“Người cha” của mái ấm, anh Vũ Xuân Trường – cũng bị khiếm thị -  chia sẻ anh hiểu với người khiếm thị, cách “nhìn thấy” duy  nhất chính là lắng nghe những thanh âm và cũng chỉ có những thanh âm mới đủ sức cứu rỗi những tâm hồn bơ vơ khát tìm ánh sáng. Anh đã dìu dắt các em khiếm thị, động viên những đôi bàn tay chỉ biết rụt rè bám vào cây, vào lá tìm đường đi, giờ đã chạm được vào những phím đàn. “Thế giới của mình tối quá, nên hãy làm sáng nó bằng những thanh âm” – anh bảo vậy.
 
Các em đã chăm chỉ luyện tập miệt mài để rồi từ những ngày đầu tiên mò mẫm tìm từng phím nhạc, dây đàn..., để  đến bây giờ đã có một nhóm nhạc Mimosa của người khiếm thị - cũng là niềm tự hào trong sâu thẳm trái tim của những mảnh đời bất  hạnh nơi thành phố sương mù. Nhóm đã được mời biểu diễn trong các chương trình từ thiện của tỉnh Lâm Đồng, có khi về các tỉnh và đến cả TPHCM biểu diễn giao lưu trong các chương trình dành cho người khuyết tật.
 
“Cười lên đi để thấy cuộc đời vui”
 
Cánh chim đầu đàn của mái nhà chung – nơi cưu mang gần 40 con người khiếm thị ở xứ sở ngàn thông - Vũ Xuân Trường (hiện là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng) từng là trung úy công an TP Đà Lạt, chỉ còn 3 tháng nữa thôi là mang quân hàm trung úy, nhưng bất hạnh giáng xuống cuộc đời anh, buộc anh rẽ sang một con đường khác hoàn toàn, đi ngược với những ước vọng tuổi trẻ. Các bác sĩ chỉ có thể giữ lại mạng sống cho anh nhưng không thể giữ lại cho anh đôi mắt.
 
“Khi biết mình không còn có thể nhìn thấy, tôi như thấy đất trời sụp đổ dưới chân mình và cảm giác như cuộc đời mình đã không còn có ý nghĩa gì nữa. Suốt một thời gian dài, tôi ra vào nhà như cái bóng, nhiều lúc tôi đã định kết thúc cuộc sống mà lúc nào cũng phải đớn đau, giằng xé và chống chọi lại với ý chí ngã gục của chính mình. Nhưng rồi tình thương yêu và niềm tin của gia đình đã nâng đỡ tôi đứng dậy. Phải mất rất nhiều năm, tôi mới có thể cân bằng lại cuộc sống của mình” – Vũ Xuân Trường bồi hồi nhớ lại giai đoạn khổ tâm dằn vặt nhất của cuộc đời anh. 
 
Lúc bị tai nạn, anh đang học dở dang đại học luật. Gần 10 năm sau đó, anh mới trở lại trường, tiếp tục phấn đấu hết sức mình, không học được như người sáng mắt, anh đến trường bằng chiếc máy vi tính và máy ghi âm. Những nỗ lực của anh đã được đền đáp khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi năm 2008.
 
Rồi cũng trong thời gian khốn khó đó, anh mới nhận ra rằng người khiếm thị rất khó có một nơi để được học hành và sinh hoạt, chia sẻ cùng nhau. Anh một mình đứng ra  thành lập cơ sở phục hồi chức năng cho người khiếm thị chỉ với số tiền 7 triệu đồng. Thời gian đầu thiếu thốn, đồ đạc trong nhà cái thì đi mượn, cái thì xin. Phòng ngủ cũng là phòng học, phòng ăn, phòng sinh hoạt. Những mảnh đời bất hạnh, mù lòa sống chen chúc trong không gian hẹp, nâng niu dìu dắt nhau mà sống. Vũ Xuân Trường mang chính câu chuyện cuộc đời mình ra để dạy cho các em bài học về nghị lực sống và niềm tin, anh vẫn thường hát cùng các em câu hát “cười lên đi để thấy cuộc đời vui” ..., để các em hiểu được hạnh phúc và tình yêu thương là có thật.
 
Rồi cứ đến ngày cuối tuần, cả đại gia đình lại ngồi quây quần đầm ấm bên nhau trong căn nhà nhỏ, cùng hòa vào những thanh âm réo rắt giữa ngàn thông. Những chàng trai, cô gái của đại ngàn Ka Sếp, Ka Sáng, Ka Thụ, K’Mi, K’Thúy, K’Lình... bị thần núi lấy đi đôi mắt nhưng lại được trả về cho giọng hát vút cao thanh thoát như tiếng suối, tiếng thông reo. Đó là những thanh âm ngân vang để dỗ dành cho những trái tim nhiều đêm thao thức giữa rừng thông, mang giấc mơ được một lần nhìn thấy mặt trời.

Chốn về yên bình

Mái ấm thành lập gần 10 năm, cũng ngần ấy thời gian Vũ Xuân Trường lao đao khi không có được một cơ sở ổn định cho những cuộc đời bất hạnh. Những đôi bàn tay cứ hết lần này đến lần khác dắt nhau đi tìm chỗ ở, rồi cũng chỉ tạm bợ được vài năm.
 
Mãi cho đến nay, tỉnh mới cấp cho một khu đất rộng hơn 2.600m2 để xây cơ sở. Nhà mới vẫn nằm lặng lẽ giữa rừng thông nhưng vầng trán của Vũ Xuân Trường đã không còn vương dấu vết âu lo. Cuối cùng thì những cuộc đời bất hạnh anh cưu mang đã có một chốn về yên bình hơn. 

 

Kỳ tới: Khát khao ánh sáng!
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo