Lễ tuyên dương cá nhân, tập thể điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ được Thành ủy TP HCM tổ chức vào hôm nay (19-5). Trong số những người thợ được tôn vinh, không thể không kể đến anh Đinh Thanh Tuấn, công nhân Công ty CP In số 7.
Không ngừng phấn đấu
Năm 2006, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, anh Tuấn được UBND quận 8 giới thiệu đi làm việc ở một số doanh nghiệp. Không nghề nghiệp, bằng cấp chuyên môn, rất khó để anh tìm được chỗ làm ổn định. May mắn là anh được Công ty CP In số 7 tuyển dụng. "Lúc đầu, tôi thực sự lúng túng khi được giao vận hành máy đóng kim thành phẩm. Vừa làm vừa học, không biết cái gì thì nhờ anh em hướng dẫn riết rồi cũng ổn" - anh Tuấn bộc bạch.
Anh Đinh Thanh Tuấn làm việc tại Công ty CP In số 7
Anh Lương Trọng Nam đang bảo trì máy tại xí nghiệp Cơ khí Ô tô chuyên dùng An Lạc
Sau hơn 11 năm phấn đấu, hiện anh Tuấn là một thợ giỏi của Công ty CP In số 7. Từ chỗ vận hành máy đóng kim thành phẩm, rồi chuyển sang bộ phận kiểm tra hàng hóa, đến phụ máy in, nhờ siêng năng, ham học hỏi, nhạy bén trong công việc nên anh Tuấn được cử đi học ở Nhật. Về nước, năm 2011, anh Tuấn được công ty tin tưởng giao đứng máy in hiện đại nhất. "Lần đầu đứng máy in, tôi gặp sự cố là sản phẩm không đạt chất lượng, không đẹp. Tôi tham khảo ý kiến của đàn anh đi trước, tìm nguyên nhân khắc phục. Hóa ra sản phẩm bị lỗi là do canh chỉnh lô không đúng. Sau khi điều chỉnh, mấy chạy ngon ơ, sản phẩm như ý muốn" - anh Tuấn chia sẻ.
Không chỉ giỏi nghề, anh Tuấn còn tận tình truyền đạt chuyên môn cho thợ trẻ. Anh Lê Hoàng Liêu là một trong số những công nhân của Công ty CP In số 7 được anh Tuấn tận tình chỉ dạy. "Anh Tuấn không hề giấu nghề, tôi và đồng nghiệp thắc mắc gì là anh hướng dẫn cặn kẽ đến khi làm được mới thôi" - anh Liêu bày tỏ.
Nói về công nhân Đinh Thanh Tuấn, ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP In số 7, nhận xét đó là gương điển hình vượt khó. "Tuấn rất cầu tiến, chịu khó tìm tòi học hỏi, luôn tìm cách để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Anh cũng là thợ trẻ gương mẫu, giúp công ty đào tạo nhiều thợ giỏi" - ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, sự sáng tạo, nhiệt huyết luôn "cháy" trong con người anh Tuấn. Những sáng kiến, cải tiến của anh tạo ra giá trị cao, nâng cao năng suất lao động.
Cánh chim đầu đàn
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên anh Lương Trọng Nam (kỹ sư Xí nghiệp Cơ khí ô tô chuyên dùng An Lạc thuộc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn) luôn cố gắng phấn đấu học thật giỏi với mong muốn giúp gia đình bớt khó khăn.
Khi vào giảng đường ĐH năm nhất, anh vừa đi học vừa làm đủ thứ nghề từ gia sư đến thi công hệ thống điện ở các công trình xây dựng. Anh Nam quan niệm làm việc gì cũng được, mục đích là để học hỏi kinh nghiệm và giao tiếp, vừa có thu nhập trang trải chi phí học hành. "Vất vả lắm anh à, bạn bè sau khi học xong thì tụ tập vui chơi, còn mình phải đi làm thêm. Tuy mệt nhưng đây là khoảng thời gian thật ý nghĩa, bước ngoặt để em làm việc tốt sau này" - anh Nam chia sẻ.
Năm 2013, anh Nam tốt nghiệp chuyên ngành điện công nghiệp Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM. Cùng lúc được 3 doanh nghiệp mời về làm việc nhưng anh quyết định chọn Xí nghiệp Cơ khí Ô tô chuyên dùng An Lạc.
Anh Nam kể trong quá trình vận hành bộ nguồn thủy lực công suất 30 Hp, để điều khiển thử áp phải có ít nhất 3 công nhân vận hành tại ví trí điều khiển và vị trí tải. Phương pháp vận hành này khá phức tạp nhưng độ chính xác lại thấp. Trước thực tế đó, anh cùng đồng nghiệp nghiên cứu cải tiến, để vận hành bộ nguồn thủy lực chỉ cần một người có thể dùng remote điều khiển được cả hệ thống vừa tắt mở bơm thủy lực vừa đổi trạng thái van điện thủy lực và kiểm soát tại tải ép. Phương pháp này ứng dụng thành công, giúp công nhân dễ dàng kiểm soát tải, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, anh Nam cùng đồng nghiệp sáng kiến chế tạo bánh xe kéo cụm thiết bị hàn Mig, hàn Mag; chế tạo đồ gá di động đóng mã số xi-lanh, số khung.
Với những thành tích trên, anh Nam nhận được giấy khen "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên công nhân năm 2015"; giấy khen "Tuyên dương gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016"; giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi lần thứ XI năm 2016 do Thành đoàn trao tặng; danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2016.
Ông Đặng Quế Hùng, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Ô tô chuyên dùng An Lạc, cho biết anh Nam hiện phụ trách tổ cơ điện của xí nghiệp, đồng thời cũng được giao việc thiết kế, lắp đặt hệ thống điện bên ngoài. Ngoài ra, anh còn tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên và là người khởi xướng, kết nối, hỗ trợ các phong trào tại xí nghiệp như sơn kẻ các vạch trong nhà xưởng, vệ sinh công nghiệp nhà xưởng… "Nam không ngừng học tập, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đó là cánh chim đầu đàn luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, tận tụy hết mình vì công việc" - ông Hùng tự hào.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-5
Mong thợ trẻ nỗ lực lao động sáng tạo
Các anh Đinh Thanh Tuấn và Lương Trọng Nam được đánh giá là những người thợ trẻ giỏi, hạt nhân quý của doanh nghiệp. Nói về lớp thợ trẻ giỏi hôm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình mong muốn họ tiếp tục nỗ lực lao động sáng tạo, rèn tay nghề, đóng góp tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp; góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lớp thợ trẻ hôm nay cũng cần tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)