Mặc dù ngành điện cam kết không cắt điện từ ngày 1-7, trừ tình huống bất khả kháng nhưng việc mất điện vẫn xảy ra khá thường xuyên vì sự cố kỹ thuật.
Sửa chữa lưới điện ở TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Mất điện trên diện rộng
Sự cố mất điện trên diện rộng đầu tiên của năm nay xảy ra tại miền Trung vào đêm 8-7 vừa qua. Trên hệ thống 500 KV Bắc Nam đã xảy ra sự cố, gây đứt mạch các đoạn đường dây Pleiku – Di Linh, Pleiku – Đà Nẵng, Đà Nẵng – Hà Tĩnh, một mạch đường dây Nho Quan – Hà Tĩnh và máy biến áp 500 KV Hà Tĩnh.
Sự cố này cũng gây mất liên kết trên hệ thống điện 500 KV, gây sự cố cho hàng loạt tổ máy như tổ máy Nhà máy Điện Cà Mau, Nhà máy Điện Phú Mỹ, Nhà máy Điện Buôn Kuốp, Sông Hinh, Serepok3, 4, tổ máy S7 Nhiệt điện Uông Bí mở rộng... với tổng công suất 1.280 MW.
Hậu quả là cả miền Trung và miền Bắc bị mất điện trên diện rộng, miền Trung mất khoảng 700 MW, miền Bắc mất khoảng 2.000 MW.
Trước đó, vào năm 2006, miền Bắc đã đột ngột mất điện trên diện rộng, dù khi đó chưa phải thời điểm thiếu điện nhất. Cụ thể, ngày 27-12-2006, một máy cắt tại trạm 500 KV Pleiku bị hỏng đúng thời điểm hai đường dây 500 KV đoạn Đà Nẵng – Pleiku đang truyền tải điện với công suất cao ra miền Bắc.
Khi đó, sự cố máy cắt ở Pleiku đã gây rã lưới toàn bộ hệ thống điện miền Bắc khiến khu vực này bị mất điện trên diện rộng. Toàn bộ các phụ tải trên địa bàn Hà Nội bị mất điện, trừ một số phụ tải quan trọng có dự phòng máy phát điện diesel.
Sau 15 phút, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã cho đóng điện đường dây Chèm – Hòa Bình để cấp điện cho các phụ tải ở Hà Nội. Gần một giờ sau, sự cố mới được khắc phục.
Chạy hơn công suất thiết kế
Tại các cuộc họp báo về tình hình cung cấp điện mùa khô năm nay, ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), đều nhấn mạnh cả hệ thống điện luôn vận hành trong tình trạng hết sức căng thẳng.
Bắt đầu từ tháng 5, EVN chuyển sang điều hành hệ thống điện theo tuần và có thời điểm phải điều hành theo ngày. Các nhà máy thủy điện phải phát điện theo định mức, tùy theo lượng nước trong hồ, chủ yếu vận hành bằng 20% công suất thiết kế để tránh bị rã máy khi hồ thủy điện về dưới mực nước chết trước khi có mưa.
Đối với nhiệt điện, ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng Giám đốc EVN, cũng cho biết hiện nay, các nhà máy phải chạy cao hơn công suất thiết kế.
Vì thế phải đối mặt với tình trạng rất nguy hiểm là các nhà máy đang ăn vào tài sản cố định, hơn một năm nay không dám bảo dưỡng theo kế hoạch vì phải gồng mình cung cấp điện.
Tuy nhiên, vẫn không tránh được các tình huống vào giờ cao điểm, điện áp và tần số giảm thấp- nguy cơ gây sụp đổ hệ thống như đã nói ở trên.
Một chuyên viên Cục Điều tiết điện lực cho biết vận hành hệ thống điện ở thời điểm này rất khó khăn. Việc xảy ra sự cố trên đường dây truyền tải là bình thường, do một số nút phụ tải lớn có thể gây sụt áp.
Về mặt kỹ thuật, khi phụ tải tăng đột biến ở một khu vực, nhân viên kỹ thuật sẽ chủ động cắt điện ở khu vực đó để tránh gây sự cố ở diện rộng hơn. Vì vậy, hiện nay, các công ty điện lực địa phương phải bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị đủ cơ sở vật tư dự phòng và phương tiện vận tải để sẵn sàng xử lý sự cố.
Phụ tải tăng mạnh, gây quá tải
Cũng trong mùa khô năm nay, sự cố điển hình mà các điện lực địa phương đang phải đối mặt là cháy trạm biến áp. Nguyên nhân do người dân cùng lúc sử dụng quá nhiều thiết bị có công suất cao như máy điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng lạnh làm phụ tải tăng mạnh, gây quá tải cục bộ. Sản lượng điện trung bình những ngày đầu tháng 7 là 308,56 triệu KWh/ngày, tăng 24,16% so với cùng kỳ năm trước. |
Bình luận (0)