Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã ban hành quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chứa 2 hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.
Tiếp tục rà soát
Chiều 13-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về ý kiến cho rằng đã biết thuốc BVTV chứa 2 hoạt chất này là độc hại lâu nay nhưng giờ mới loại bỏ là quá chậm, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), nói: “Từ ngày 1-1-2015, khi Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật có hiệu lực, quy định các loại thuốc độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường mà có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học trong thực tiễn chứng minh độc hại thì sẽ thành lập hội đồng xem xét, thu thập đầy đủ thông tin để đưa ra khỏi danh mục. Đó là lý do bây giờ chúng ta mới làm được”. Theo ông Trung, Bộ NN-PTNT vẫn đang rà soát với những chất tiếp tục được đưa vào danh mục cấm.
Dù Bộ NN-PTNT đã có quyết định loại 2 hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV nhưng lại cho phép nhập khẩu, sản xuất tối đa trong một năm nữa; được buôn bán, sử dụng thêm tối đa 2 năm. Lý giải băn khoăn này, ông Trung cho biết: “Dù xã hội bức xúc nhưng phải tuân thủ pháp luật. Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật cũng quy định rõ khi muốn đưa sản phẩm ra khỏi danh mục thì phải có đầy đủ thời gian để doanh nghiệp thích ứng với các quyết định của cơ quan quản lý”.
Theo ông Trung, hiện trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam có 74 đơn chất và 153 hỗn hợp đăng ký sử dụng trừ cỏ trên các loại cây trồng khác nhau. Trong đó, các thuốc trừ cỏ không chọn lọc, cùng công dụng với Paraquat, gồm: Glyphosate, Glufosinate - ammonium và Diuron.
“Các thuốc trừ cỏ này thay thế được thuốc trừ cỏ Paraquat trong danh mục và đều có độ độc cấp tính, mạn tính thấp hơn vì là thuốc thế hệ mới. Ngoài ra, có 71 hoạt chất khác đăng ký trừ cỏ chọn lọc đối với từng nhóm cỏ và trên từng loại cây trồng. Tương tự, có 13 hoạt chất có thể thay thế 2.4D trừ cỏ dại trên các loại cây trồng cũng như vùng đất không trồng trọt, trong đó có 6 hoạt chất thuốc BVTV thế hệ mới” - ông Trung thông tin.
Chưa có chỉ đạo
Ông Nguyễn Thế Ân, Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị này chưa nhận được công văn nào chỉ đạo về việc loại bỏ 2 hoạt chất 2.4D và Paraquat.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, nơi đây đã có công văn gửi đến các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV trên 12 huyện và thành phố, quán triệt quyết định cấm sử dụng 2 hoạt chất 2.4D và Paraquat, trước mắt là nhắc nhở và khuyến cáo không mua bán, tàng trữ. “Riêng hoạt chất Paraquat, chúng tôi có thông báo nghiêm cấm sử dụng và buôn bán đến các cơ sở kinh doanh từ năm 2016. Nếu phát hiện sẽ nhắc nhở, trong quý I này sở triển khai các đợt tổng kiểm tra và xử lý nghiêm, triệt để nếu đơn vị nào sai phạm” - ông Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở các vùng quê của TP Hải Phòng, loại thuốc này được đội ngũ bán hàng rong rao bán đến từng ngõ, xóm, bất cứ ai hỏi mua cũng được. Giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/lọ/90 ml.
Tại một cửa hàng thuốc BVTV ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, khi chúng tôi đến thì thấy đang bày bán hơn 20 lọ thuốc trừ cỏ 2.4D VITHACO. Chủ cửa hàng cho biết chưa nghe việc thuốc này bị loại khỏi Danh mục thuốc BVTV.
Trước đó, ngày 9-2, tại siêu thị Nông nghiệp Sài Gòn (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), các loại thuốc có hoạt chất 2.4D và Paraquat cũng được bày bán trên kệ. Một nhân viên nơi đây cho biết đã nghe quy định loại bỏ 2 hoạt chất trên nhưng chưa cấm bán. Tại tỉnh Đắk Lắk, chủ đại lý thuốc BVTV Hoàng Tuyết (huyện Cư Kuin) cũng khẳng định chưa thấy thông báo của cơ quan chức năng.
Rất nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ở ĐBSCL cũng bày bán và giới thiệu những thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat. Tại một cửa hàng ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), khi chúng tôi hỏi mua loại thuốc diệt cỏ nào “siêu tốc” thì chủ cửa hàng nhanh chóng giới thiệu hàng loạt thuốc có chứa hoạt chất Paraquat như: gramoxone, cyclone, surefire… Chúng tôi đề cập tới việc những loại thuốc này đã bị Bộ NN- PTNT loại khỏi Danh mục thuốc BVTV thì chủ cửa hàng nói chưa biết gì. “Người ta vẫn mua bán ầm ầm chứ có nghe nói độc hại gì đâu?” - người này chống chế.
Theo chủ đại lý vật tư nông nghiệp Duy Phong tại chợ Vàm Rầy (tỉnh Kiên Giang), thuốc diệt cỏ có 2.4D và Paraquat luôn được xem như “vị cứu tinh” cho nông dân vì tính hiệu quả của nó trong việc tiêu diệt các loại cỏ “cứng đầu”. Vì vậy, trước đây, 2 loại thuốc này luôn trong tình trạng “cháy hàng” mỗi khi vào vụ mùa mới. Tuy nhiên, hiện người dân vẫn sử dụng nhưng không nhiều như trước.
Uống là khó sống!
Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khẳng định chỉ uống 10-15 ml thuốc diệt cỏ có Paraquat là đủ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Paraquat gây ngộ độc cấp tính và tử vong nhiều nhất ở nước ta hiện nay và không có biện pháp điều trị có tính chất quyết định để cứu sống bệnh nhân. Khi Paraquat ngấm vào cơ thể thì gần như vô phương cứu chữa, hầu hết tử vong trong vòng 1 tuần đến 3 tháng, một số tử vong trong 3 ngày đầu.
PGS-TS-BS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết điểm đặc biệt của Paraquat là lưu giữ trong phổi với nồng độ rất lớn gây xơ phổi khiến bệnh nhân chết vì ngưng thở. Vì vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân không chết ngay sau khi uống nhưng tử vong sau 1-2 tuần vì suy hô hấp. Bác sĩ nhìn thấy cái chết đến với bệnh nhân mà không cách nào cứu được.
Thống kê một năm gần đây cho thấy trong số gần 700 bệnh nhân ngộ độc hóa chất thì có tới 50% bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Tỉ lệ tử vong chung do ngộ độc hóa chất tại trung tâm chiếm 0,41% nhưng do Paraquat là hơn 70%.
Vẫn có thể tồn tại nhiều năm nữa
Một số chuyên gia cho biết Trung Quốc đã cấm sử dụng Paraquat nhưng ở Việt Nam, kể cả khi hóa chất này bị loại ra khỏi Danh mục thuốc BVTV thì vẫn có thể tồn tại trên thị trường nhiều năm nữa do số lượng thuốc tồn kho quá lớn và việc mua bán qua đường tiểu ngạch vẫn dễ dàng. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì hiểm họa từ chất “hủy diệt xanh” này vẫn còn đe dọa tính mạng con người.
Chậm trễ trong việc loại bỏ
Ông Nguyễn Hữu An, nguyên Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh An Giang, cho rằng ngành nông nghiệp và cả các doanh nghiệp kinh doanh đã biết tác hại của 2 loại thuốc cực độc này từ nhiều năm trước nhưng không hiểu sao lại quá chậm trễ trong việc loại bỏ. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp, các tổ chức quốc tế đã cảnh báo và nghiên cứu ở nhiều nước cũng kết luận 2.4D và Paraquat có khả năng gây một số bệnh cho động vật và con người. 2.4D xếp loại độc độ 1 đối với mắt, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu trắng, do đó làm tăng nguy cơ gây ung thư bạch huyết ở người; sử dụng lâu dài gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch. Trong các thuốc trừ cỏ chứa 2.4D đều có một lượng chất Chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do.
Chlorophenol có nhiều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và môi trường sống do tồn tại tương đối lâu trong tự nhiên và có thể chuyển hóa thành chất Dioxin, có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng. Paraquat có khả năng gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim... và đều có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong mà không có thuốc giải độc. Theo bà Ánh, từ khi có công văn của Cục BVTV, địa phương đã vận động người dân và các đại lý kinh doanh thuốc BVTV không mua bán, trao đổi những sản phẩm có chứa 2.4D và Paraquat. Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức hội thảo để khuyến cáo nông dân và phát tờ bướm tuyên truyền để nông dân nắm rõ.
PGS-TS Trần Văn Hai, Bộ môn BVTV - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết 2.4D và Paraquat đã có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam khoảng hơn 10 năm qua. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy 2 hoạt chất này có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên việc cấm sử dụng là cần thiết. Khi nông dân sử dụng thuốc BVTV có các chất này, không những diệt cỏ chết mà ngay cả cây trồng cũng không thể sống. Khi dư lượng của 2 hoạt chất này quá mức trong lúa, rau, đậu bắp…, nếu con người hay bất kỳ sinh vật nào sử dụng sẽ gây biến dị di truyền, thậm chí là ung thư.
Bình luận (0)