Chưa có con số thống kê cụ thể bao nhiêu người ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM bị ung thư, bệnh phổi, hô hấp... nhưng người dân nơi đây có thể nhớ tên từng người chết từ sau khi bãi rác hình thành thông qua cuốn sổ được ông Trần Văn Ước (60 tuổi, ngụ ấp 7) lưu giữ kỹ càng.
Nỗi ám ảnh xóm nghèo
Giở cuốn sổ ghi tên hàng trăm người chết - đa phần do ung thư- chúng tôi đọc được tên nạn nhân mới nhất, chỉ mới 8 tuổi, con của chị Phạm Thị Bình (ngụ ấp 5, xã Đông Thạnh). “Con tôi được 7 tuổi là đã bệnh liệt giường. Mỗi lần cầm tờ giấy ghi kết quả ung thư máu của con là tôi ngất xỉu. Giá như chúng tôi không ham của tiếc tiền, bán đứt căn nhà, bỏ đi đâu đó sống thì giờ không phải mất con” - chị Bình bật khóc nức nở.
Ghé qua nhà bà Trần Thị Kim Anh (65 tuổi, ngụ ấp 7), chúng tôi xót xa khi chứng kiến cảnh người mẹ già ốm yếu đang chăm sóc con trai Võ Bá Hành (40 tuổi) nằm một chỗ vì bệnh phổi. Bà Kim Anh kể chỉ trong vòng 5 năm nay, cả xóm đã tiễn 7 người “đi” vì bệnh ung thư. Nhìn con trai, bà rơm rớm nước mắt: “Cả xóm nghèo này đi đâu cũng cảm nhận không khí buồn bã, mất mát. Con tôi chắc cũng chỉ chịu đựng được một thời gian ngắn nữa thôi...”.
Theo người dân địa phương, năm 1993, bãi rác Đông Thạnh được hình thành, chính quyền trợ cấp độc hại cho những hộ dân sống trong bán kính 200 m với số tiền 60.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ năm 2003, số tiền trợ cấp giảm còn 25.000 đồng/người/tháng. Đã vậy, hơn 1 năm qua, số tiền trợ cấp ít ỏi này, người dân cũng không nhận được. “Tính ra, tiền trợ cấp mỗi tháng chưa đủ mua nước bình cho một người uống hay mua một tô phở ngon để ăn. Vậy mà đến nay, số tiền này cũng không đến tay người dân” - ông Ước rầu rĩ.
Bà Võ Thị Gái (62 tuổi, người vừa mới đi phẫu thuật vì ung thư vú) thở dài: “Mỗi khi đi khám bệnh là tôi lại sợ, lo lắng chi phí điều trị. Vừa rồi, không đủ tiền, tôi phải vay 10 triệu đồng của Hội Phụ nữ xã. Số tiền 25.000 đồng trợ cấp độc hại chỉ mang tính tượng trưng chứ không thấm vào đâu so với bệnh tật, cuộc sống khó khăn của người dân ở đây”.
Trong khi đó, ông Võ Văn Tư (72 tuổi, ngụ ấp 7, mắc bệnh phổi) bày tỏ: “Người dân không đòi hỏi chính quyền có trợ cấp tiền độc hại hay không. Có tiền thì tốt, không thì cũng chẳng sao. Điều quan trọng và lâu dài là phải đóng cửa bãi rác càng sớm càng tốt. 100.000 đồng/tháng hay 1 triệu đồng/tháng cũng không đủ tiền thuốc men. Rồi khi mất đi người thân, bao nhiêu tiền là đủ, là bù đắp được?”.
Đang họp bàn...
Trả lời câu hỏi vì sao hơn 1 năm qua, người dân vẫn chưa nhận được tiền trợ cấp độc hại, ông Huỳnh Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho biết TP đang tính toán nâng mức hỗ trợ lên cao hơn theo cách tính chi phí chi tiêu, lương cơ bản tăng, mức sống… “Chỉ còn 1-2 năm nữa, bãi rác Đông Thạnh sẽ đóng cửa. Tiền độc hại vẫn được đưa cho người dân đầy đủ, chỉ là sớm hay muộn thôi” - ông Hiếu khẳng định.
Trước đó, vào tháng 7-2016, xung quanh vấn đề bảo đảm cuộc sống cho người dân khu bãi rác Đông Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa đã yêu cầu ngành tài nguyên - môi trường phải lên kế hoạch di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại (của ngành y tế) về Phước Hiệp như quy hoạch, theo công nghệ mới nhất để xử lý tốt ô nhiễm. Đồng thời, Sở Tài chính phải tính toán nâng mức trợ cấp độc hại cho người dân khu vực này trong tháng 8 vì mức 25.000 đồng/người/tháng không còn phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết đang cùng Sở Tài chính, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP họp bàn thống nhất giá tiền, trước mắt có 3 mức được đề xuất. Việc trợ cấp sẽ kéo dài đến khi môi trường ở xã Đông Thạnh được bảo đảm.
Theo danh sách mới cập nhập từ xã Đông Thạnh, số lượng 2.000 người dân được trợ cấp độc hại đã được nâng lên 9.000 người.
Bình luận (0)