xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểm nguy rình rập

Bài và ảnh: DUY NHÂN

Trong nghề leo cây thuê, tuổi càng cao thì rủi ro càng gần. Đó là những tai nạn có thể lấy đi sinh mạng của bất cứ người thợ leo dừa nào nếu chẳng may gặp phải

Đã 78 tuổi, ông Ba Mù (Lê Văn Hòa) ở Bình Thủy - Cần Thơ vẫn cố chút sức tàn leo dừa kiếm sống nhưng chẳng còn mấy ai dám thuê ông nữa. Họ sợ lỡ ông có bề gì thì lại bị liên lụy.

Có người vô tình khuyên ông nên... đi ăn xin, song ông quả quyết không đời nào vì dù mù lòa nhưng đôi tay vẫn còn đó. Tuy nhiên, ông cũng thừa hiểu rằng đôi tay già yếu của mình đã đến lúc không còn khả năng nuôi sống bản thân được nữa.


Thoát lưỡi hái tử thần


Trong nghề leo cây thuê, tuổi càng cao thì rủi ro càng gần. Đó là những tai nạn có thể lấy đi sinh mạng của bất cứ người thợ leo dừa nào nếu gặp phải.

Trong hơn 50 năm leo dừa, ông Ba Mù tự hào không gặp phải tai nạn nghề nghiệp nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, những lần gặp nạn của ông đều đã gần chạm lưỡi hái tử thần nhưng may mắn thoát chết trong gang tấc.


Hơn 10 năm trước, khi đã bước sang tuổi 60, một hôm, ông Ba Mù đang leo dừa ở độ cao 11 m thì bất ngờ tuột tay rớt xuống đất. Bên dưới là hàng rào sắt đưa lên nhọn hoắt và những tảng đá lớn.

“Vậy mà không hiểu sao, tôi lại may mắn rơi ngay giữa khe hẹp của hàng rào và tảng đá, chỉ nằm một lát rồi lồm cồm ngồi dậy đi về nhà mà không có chút thương tích nào” – ông nhớ lại.


Vài năm sau, một lần ông Ba Mù leo lên ngọn dừa cạnh bụi tre. Vì không nhìn thấy gì nên ông vớ phải đuôi con rắn lục và bị nó cắn vào tay. Ông quýnh quáng vẩy nó rớt xuống đất. Người chủ vườn dừa điếng hồn khi nhận ra con rắn lục leo ngược trở lên cây dừa cắn ông thêm một nhát nữa.

Tuy nhiên, ông Ba Mù cũng không hề hấn gì, vội tuột xuống đất, nặn máu chỗ vết rắn cắn rồi về nhà. Không cần chạy chữa thuốc thang hay đến thầy rắn, vậy mà ông cũng chẳng sao.

Ông Ba Mù cười: “Chưa kể cả chục lần tôi vớ phải tổ ong vò vẽ, hai vợ chồng bị chúng rượt chạy đến tận nhà. Có lẽ ông trời đã lấy của tôi đôi mắt nên không nỡ lấy luôn cái mạng già này”.

img
Vợ chồng ông Ba Mù sống hẩm hiu trong ngôi nhà nhỏ ở Bình Thủy – Cần Thơ những năm tháng cuối đời


Ngôi nhà chật hẹp trong con hẻm nhỏ ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy giờ trở nên quá trống trải với cảnh neo đơn của vợ chồng ông Ba Mù. Họ có thảy 8 người con nhưng vì kế sinh nhai nên không ai ở lại bên cạnh ông bà trong những năm tháng cuối đời.

Không còn khả năng leo dừa thuê thường xuyên như trước, ông bà sống kham khổ với tiền hỗ trợ chính sách vài trăm ngàn đồng mỗi tháng của bà (chồng trước là liệt sĩ).


Hôm tôi ghé nhà, ông Ba Mù cùng vợ ngồi trước hàng hiên, người châm trà, người ngoáy trầu. Đưa đôi mắt trắng đục về phía những cây dừa cao vút trước ngõ như thể đang nhìn thấy chúng, ông Ba Mù xuýt xoa: “Nếu chú ghé nhà sớm hơn thì tôi đã leo dừa hái trái xuống mời uống chơi. Còn bây giờ thì...”. Ông nhăn nhó đưa tay xoa xoa chỗ mô bàn chân chai sần. Tôi thầm hiểu đó là nguyên nhân ông không leo dừa được chứ không hẳn do tuổi tác hay tật nguyền.


Sinh nghề tử nghiệp


Cùng cảnh mù lòa nhưng ông Chau Dong ở ấp Vĩnh Tây, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên - An Giang không được may mắn như ông Ba Mù. 40 năm leo cây thốt nốt lấy nước, ông Chau Dong không cưỡng lại được quy luật nghiệt ngã “sinh nghề tử nghiệp”.


Cả đời ông Chau Dong leo cây thốt nốt nhưng không cất nổi căn nhà che kín nắng. Năm 2006, vợ chồng ông được Nhà nước hỗ trợ cất căn nhà tiền chế. Khi ấy, ông Dong đã bước sang tuổi 54, sức khỏe yếu dần.

Bà Nèang Sanh, vợ ông Dong, nhớ lại: “Nhiều lúc thấy ông ôm bụng kêu đau, tôi ngăn không cho ông đi trèo thốt nốt nữa nhưng rồi ông vẫn cố gượng đi làm vì thương vợ con nghèo khó, vất vả. Mới tháng 3 năm nay, ông trèo lấy nước thốt nốt thì trượt chân ngã xuống đất từ độ cao gần 20 m và chết tại chỗ”.


Bà Sanh cho biết ông Chau Dong tên thật là Chau Dek Day. Năm lên 3 tuổi, một cơn bạo bệnh đã cướp đi của ông ánh sáng con mắt trái. Đến năm lên 6 tuổi, một lần theo đám bạn đi câu, ông vô tình bị lưỡi câu móc vào con mắt còn lại. Kể từ đó, ông sống triền miên trong bóng tối.

Lớn lên, bà Sanh thấy ông Dong dù mù lòa nhưng làm việc siêng năng còn hơn cả nhiều người sáng mắt nên đem lòng yêu thương. “Lấy nhau với hai bàn tay trắng, tôi giàu hơn chồng đúng... hai con mắt” – bà Sanh chua chát.
 
Tuy nghèo nhưng họ sống hạnh phúc, hằng ngày người chồng mù leo thốt nốt lấy nước về cho vợ nấu đường. Ở xứ này, người sáng mắt chỉ trèo mỗi ngày được khoảng 20 cây thốt nốt, còn ông Dong khiếm thị mà leo đến gần 30 cây. Có khi trời tối mịt mà người ta vẫn còn thấy ông ngồi vắt vẻo trên ngọn cây thốt nốt cao hàng chục mét.


Nhắc về người chồng bạc mệnh, bà Sanh không cầm được nước mắt: “Những đêm ngồi canh lửa nồi đường thốt nốt, tôi đã nghĩ rất nhiều về chuyện chồng cứ trèo leo thế này lỡ có mệnh hệ gì... Rốt cuộc, điều tôi lo sợ cũng không tránh khỏi”.


Nghề nguy hiểm

Theo ông Đặng Ngọc Gương ở ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành - Bến Tre, trong hơn 30 năm leo dừa, ông ngán nhất là lúc sau mưa hoặc gặp những cây dừa bám đầy rong rêu vì rất dễ tuột tay rớt xuống đất.

“Người thợ leo dừa còn phải đối mặt với biết bao trắc trở khi lên đến ngọn cây, vì từ dưới đất nhìn lên đâu có thấy được gì trên đó. Khi vừa áp sát ngọn dừa, ong vò vẽ, rắn lục và đủ loại côn trùng độc hại phục sẵn trên đó, chúng sẽ tấn công khi nhận biết có hơi người” – ông Gương kể.


Ông Gương cho biết ông Hai Biếu, một thợ leo dừa ở xã An Hiệp, nay đã từ giã nghề này cũng do tuột tay rơi xuống đất bị bể xương chậu. Ngay cả “kiện tướng” leo dừa như ông Sáu Ấn ở kinh Chẹt Sậy (Giồng Trôm- Bến Tre), một ngày hái trên 1.000 trái dừa, vậy mà mồ đã xanh cỏ gần 10 năm nay vì bị dừa rớt trúng đầu!

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo