Leo dừa là một nghề nguy hiểm, chỉ dành cho những người khỏe mạnh. Vậy mà ở miệt vườn ĐBSCL lại có nhiều người tật nguyền sinh sống bằng cái nghề “ôm cây” này suốt mấy chục năm qua. Tôi gặp ông Ba Mù khi ông đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời nhưng hằng ngày vẫn phải dò dẫm khắp nơi tìm chỗ leo dừa thuê kiếm sống.
Năm nay đã 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Ái khó thể leo dừa thuê thường xuyên như trước nên phải tìm những nghề nhẹ nhàng hơn
Nhọc nhằn mưu sinh
Bà con ở miệt vườn Bình Thủy - Long Tuyền (Cần Thơ) chẳng mấy ai còn nhớ tên thật của ông Lê Văn Hòa, cứ gọi ông bằng thân phận của một người sống triền miên trong bóng tối: Ba Mù.
Ông Ba Mù nay đã 78 tuổi, song có gần 60 năm nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề leo dừa thuê mà ngay cả những người sáng mắt cũng phải lắc đầu, lè lưỡi.
Năm 16 tuổi, lúc đi câu cá, ông Hòa không may bị nọc độc của con trùn hổ dùng làm mồi câu bắn vào đôi mắt và sau đó phải chịu cảnh mù lòa. Nhà nghèo, biết cha mẹ không thể chăm sóc mình mãi được, chỉ vài ngày sống trong bóng tối chán chường, ông Hòa đã đứng lên dùng đôi tay và các giác quan khác làm mắt, dò dẫm từng bước chân làm lại cuộc đời.
Ngôi nhà xập xệ ở vùng ngoại ô thuộc quận Bình Thủy - TP Cần Thơ là tất cả gia sản có được sau gần 60 năm ông Ba Mù leo dừa thuê. Nghe ông kể, tôi cũng không thể mường tượng được cảnh người đàn ông mù trải qua hai đời vợ và nuôi lớn 8 người con như thế nào. Năm 20 tuổi, ông đã có thể làm được đủ việc như người sáng mắt rồi lấy người vợ cùng xóm, một trong những cô gái đẹp nhất miệt Bình Thủy.
Những năm tháng đất nước khó khăn, ông Ba Mù làm quần quật không đủ tiền nuôi vợ con nên người vợ đã lặng lẽ mang theo giọt máu của ông ra đi, bỏ lại người chồng với đứa con gái còn chưa nói tròn tiếng mẹ. “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết đau sự đời, đau hơn cả lần tôi biết mình không còn nhìn thấy ánh sáng” – ông bộc bạch.
Rồi nỗi đau cũng chóng qua như lần ông mới bị mù lòa. Gởi con cho người em gái chăm sóc, ông Ba Mù đi leo dừa thuê kiếm tiền nuôi con. Người vợ đang chung sống với ông trong cảnh nghèo túng dưới mái nhà đơn sơ hiện nay cũng là người cùng xóm.
Trước khi về với ông, bà là vợ liệt sĩ nuôi những 3 con nhỏ. Lấy ông Ba Mù, họ có thêm 4 người con chung. Cả 8 người con của ông bà đều được nuôi lớn chỉ duy nhất bằng nghề leo dừa thuê của người cha mù lòa.
Dù đã sắp bước qua tuổi 79 nhưng ông Ba Mù vẫn chưa thể từ bỏ nghề leo dừa nhọc nhằn. Người ta vẫn thấy vợ chồng ông - bà đi trước, ông đặt tay lên vai bà theo sau - thơ thẩn đi hỏi thăm có ai thuê leo dừa hay đốn cây mướn không.
Người lạ không biết, thấy vợ chồng một người mù già yếu dắt díu nhau trên đường trong bộ dạng nghèo khổ đã dúi vào tay ông bà ít tiền lẻ. Những khi ấy, ông Ba Mù xua xua tay, nhẹ nhàng bảo: “Tôi không phải ăn xin đâu. Tôi leo dừa thuê, nếu ai thương tình thì kêu tôi...”.
Giỏi như vợ ông Đậu!
Chứng kiến hình ảnh bà Nguyễn Thị Ái với đôi chân cụt sát đùi leo thoăn thoắt lên cây dừa cao chót vót, không ai không khỏi thán phục đôi chân kỳ diệu của bà.
Nhà bà Ái nằm sâu hút trong xóm nghèo Rạch Đường Than, ấp Phú Đông, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành - Hậu Giang. Ở xứ này, rất ít người biết tên thật của bà Ái nhưng cứ hỏi bà cụt chân leo dừa vợ ông Lê Văn Đậu thì ai cũng biết. Dân miền Tây hay nói “Tệ hơn vợ thằng Đậu”, song bà con trong xóm Rạch Đường Than thì luôn miệng tấm tắc: “Giỏi như vợ ông Đậu”!
Năm bà Ái 19 tuổi, ông bà về sống với nhau. Gia đình đôi bên cùng nghèo, đôi vợ chồng trẻ không đất làm ruộng phải sống lam lũ bằng đủ nghề. Những tưởng cuộc sống cứ bình lặng trôi đi như bao đôi vợ chồng nghèo khó ở miệt vườn, nào ngờ số phận quá cay nghiệt.
Năm 24 tuổi, trong một lần làm cỏ mướn ở cách nhà vài trăm mét, bà Ái giẫm phải trái bom từ thời chiến tranh sót lại. Một tiếng nổ long trời vang lên, sau đó người ta tìm thấy bà Ái nằm bất tỉnh trên vũng máu với đôi chân đứt lìa.
Sau khi ở bệnh viện hai tháng trời điều trị, bà Ái về nhà phải nằm trên giường suốt vài năm ròng vì đã mất cả đôi chân. “Nhiều đêm thức giấc, tôi bước xuống giường té oành oạch vì quên mất đôi chân đã không còn. Những lúc như vậy, tôi thấy chán chường và muốn chết quách cho xong!” - bà Ái nhớ lại.
Số phận hẩm hiu không ngừng đeo đuổi gia đình bất hạnh này. Chỉ ít lâu sau, ông Đậu lâm trọng bệnh không lao động được, cuộc sống gia đình họ rơi vào bế tắc. Không chịu đầu hàng số phận, bà Ái lê đôi chân cụt khắp xóm cắt cỏ mướn để nuôi chồng.
Thấy việc cắt cỏ mướn không thể kéo dài được, bà Ái bèn nảy sinh ý định leo dừa hái trái thuê cho người trong xóm. Với đôi chân cụt sát đùi, bà tập leo từng cây dừa. Khi đã thuần thục, bà đi quanh xóm hỏi thăm có ai thuê hái dừa không.
Thoạt đầu, nhiều người cứ nghĩ bà nói đùa, song các chủ vườn cũng bị thuyết phục bởi tài leo dừa khó tin của bà. Chuyện bà Ái cụt hai chân leo dừa lan truyền mỗi lúc một xa, thế là bà lại có việc làm thường xuyên để kiếm tiền nuôi chồng bệnh tật.
Giờ đã 60 tuổi, người phụ nữ cụt hết hai chân như bà Ái khó thể leo dừa thuê thường xuyên như trước. Vợ chồng bà sống với nhau không có lấy một mụn con. Thế nên, gánh nặng mưu sinh vẫn đặt lên đôi vai của người đàn bà tật nguyền này. Bà Ái phải tìm thêm nhiều nghề khác nhẹ nhàng hơn để kiếm sống.
Dẫu có nhiều đêm bên ánh đèn le lói trong ngôi nhà tồi tàn ven con rạch nhỏ, bà Ái ngồi thui thủi tủi phận mình hẩm hiu, song vợ chồng bà chưa một lần nặng lời với nhau. Người tật nguyền, người mắc bệnh nan y nhưng đôi vợ chồng già ấy vẫn từng ngày gắng gượng dìu nhau vượt qua cuộc sống gập ghềnh...
Kỳ tới: Hiểm nguy rình rập
Bình luận (0)