xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiên ngang Trường Sa: Sức sống mãnh liệt

Bài và ảnh: Huỳnh Nga

Tuy cuộc sống ở Trường Sa đầy gian khó nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn hết sức lạc quan. Hằng đêm, tiếng hát vẫn cất lên giữa biển khơi, những buổi nói chuyện tâm tình, chia sẻ niềm vui nỗi buồn vẫn được tổ chức

Đúng ngày 30-4, chúng tôi đến đảo Đá Thị, đảo chìm nằm ở phía Bắc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trên đảo, đập vào mắt là một màu xanh trải dài mát mắt của những khay rau muống mà các chiến sĩ đã dày công chăm sóc. Không gian sống vẫn tươi xanh giữa đại dương mênh mông, thô ráp.

Nhiệm vụ là trên hết

Trong khi nhiều chiến sĩ tập trung nơi ban công để giao lưu văn nghệ thì ở một góc khuất trên đảo, tôi bắt gặp đôi mắt đượm buồn của một chiến sĩ hải quân. Đó là trung úy Lê Quang Minh, cán bộ chỉ huy khẩu đội tại đảo Đá Thị. Làm sao có thể vui khi tuần trước, anh nhận được tin ba anh vừa mất. “Nghe tin, tôi đã bật khóc. Bốn năm trời từ khi ba bệnh, tôi không thể về thăm. Đến khi ba mất, tôi cũng không về được để thọ tang”- anh nói. Mắt anh đỏ ngầu nhìn về phía chân trời xa.

img
Các chiến sĩ đảo Đá Thị sinh hoạt văn nghệ

Bước vào đời lính, nhất là lính ở đảo, trung úy Lê Quang Minh càng ý thức rằng phải luôn biết hy sinh lợi ích cá nhân cho đất nước. Chính vì thế mà hơn 10 năm nay, khi đã qua nhiều đảo như Song Tử Tây, Đá Lớn, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh, Đá Thị…, anh luôn quyết tâm không để nỗi đau riêng lấn át nhiệm vụ.

Mỗi khi nhớ về gia đình, Minh chỉ biết dồn hết thời gian vào công việc. Món quà duy nhất mà anh gửi về nhà nơi đất liền chính là cành san hô hay những vỏ ốc. Từ ngày ba anh mất, nhờ có những đồng đội ngày đêm động viên, anh cũng dần vơi đi nỗi buồn. “Giờ đây, tôi chỉ biết đến nhiệm vụ của người lính. Chỉ có công việc mới giúp tôi quên đi nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình” - anh chia sẻ.

Không ngại khó khăn

Ở nhiều đảo chìm như Đá Thị, Len Đao, Cô Lin, Đá Tây… đều nằm trên vùng san hô ngập nước nên mọi sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ đều gặp không ít khó khăn. Vào mùa khô, trên các đảo đều thiếu nước, thiếu rau xanh nên cuộc sống càng không dễ dàng. Qua các chiến sĩ, chúng tôi mới biết thuật ngữ “tắm tráng” được các anh ví von trong những ngày thiếu nước.
img

Trung úy Lê Quang Minh chăm sóc cây xanh

Nghĩa là để bảo đảm đủ nước sinh hoạt cũng như nước tưới tiêu cho rau trong mùa khô, mỗi ngày các chiến sĩ chỉ được dùng từ 3-5 lít nước. Với lượng nước ít ỏi, hằng ngày các chiến sĩ phải tắm bằng nước biển, sau đó tắm qua loa lại bằng nước ngọt. Nước ngọt sau khi tắm được hứng vào thau sử dụng cho việc tưới rau.
Thiếu úy Nguyễn Xuân Trung ở đảo đá Len Đao kể: “Ngay cả quần áo cũng được giặt bằng nước biển rồi sau đó được xả sơ lại bằng nước ngọt. Khó khăn nhất là giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 11, khi gió mùa Đông Bắc thổi vào mang theo muối biển làm cho rau xanh không thể sống nổi. Để bảo đảm có rau xanh cho mọi người, các chiến sĩ phải đem khay trồng rau vào tận trong phòng”.

Đại úy Vũ Đức Vinh, chính trị viên của đảo Đá Thị, cho biết: “Tuy cuộc sống khó khăn nhưng các chiến sĩ vẫn không hề nao núng. Hằng đêm, những tiếng hát vẫn cất lên giữa biển khơi, những buổi nói chuyện tâm tình, chia sẻ niềm vui nỗi buồn vẫn được tổ chức. Nhờ thế, các chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, vững vàng tay súng”.

Giữ vững chủ quyền

Trong email gửi về đất liền, thượng úy Nguyễn Văn Huân ở đảo đá Len Đao đã viết: “Cảm ơn các thành viên trong đoàn đã đem đến cho lính đảo những tình cảm từ đất liền. Tới Trường Sa, chắc nhiều người sẽ cảm nhận được cuộc sống thực tế của những người lính đảo quanh năm giữa đại dương mênh mông, chỉ có sóng và gió. Nhưng đó là nhiệm vụ của chúng tôi - những người lính đảo quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước”.

Cách đây 2 năm, thượng úy Nguyễn Văn Huân nhận nhiệm vụ đến công tác tại đảo Len Đao. Từ  đó đến nay, anh chưa một lần về phép thăm gia đình. Giữa đảo khơi bốn bề sóng nước, anh luôn mang bên mình nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương - nơi có người vợ trẻ và 2 con đang ngày đêm mong đợi. Anh nói: “Chắc bây giờ 2 đứa con lớn lắm rồi, không biết khi tôi trở về chúng có còn nhận ra hay không!”. Đưa tôi xem cánh tay với nước da đen sạm do nắng gió, anh phân bua: “Nhờ nắng gió mà tôi có nước da rắn chắc như thế. Trông tôi khỏe mạnh hơn xưa rất nhiều”.

Còn thiếu úy Nguyễn Tiến Dũng, phụ trách thông tin của đảo Đá Thị, từng làm nhiệm vụ ở nhiều đảo như Cô Lin, Trường Sa Lớn, Tiên Nữ... nhưng khi đến với đảo chìm Đá Thị, anh càng hiểu rằng đây là nhiệm vụ cao cả mà anh đang đảm nhận. Hằng ngày, sau những giờ làm việc, để vơi đi nỗi nhớ người thân, nhớ người yêu ở đất liền, anh thường ra sân ngắm sao trời. “Nhìn những vì sao, tôi nghĩ đến người yêu nơi quê nhà. Có lẽ cô ấy sẽ hiểu, thông cảm và chờ đợi tôi”. 

“Khi bước vào quân đội, chúng tôi luôn muốn cống hiến cả đời mình cho nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Tuy cuộc sống ở đảo chìm nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà chúng tôi quên đi trách nhiệm của mình giữ gìn biển đảo quê hương” - thượng úy Nguyễn Văn Huân tâm sự.

Kỳ tới: Hạnh phúc nơi đảo xa

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo