Nói đến nơi giúp người nghèo hiệu quả, đầu tiên phải kể đến là quận 5. Giai đoạn 2014-2015, quận 5 có 90 hộ nghèo (chiếm 0,2% tổng số hộ) với 310 người thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, đến hết tháng 6-2014, quận không còn hộ thuộc diện nghèo.
Xóa dần tâm lý thụ động của người nghèo
Chia sẻ “bí quyết”, bà Lou Hàn Cánh - Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), tăng hộ khá quận 5 - cho biết: “Mỗi cơ quan chức năng tại quận 5 là một nốt nhạc trong “dàn nhạc” giúp giảm nghèo. Còn phương pháp chính là thực hiện chương trình giảm nghèo đặc thù với từng gia đình, cặn kẽ trong từng hoàn cảnh”.
Đầu tiên là công khai từ việc rà soát danh sách hộ nghèo để không cho những hộ “muốn nghèo” lọt vào. Kế đến, để có danh sách hộ nghèo phải khảo sát từ khu phố, tổ dân phố rồi chuyển lên phường, quận kiểm tra lại. Sau cùng, Ban Chỉ đạo chốt lại lần cuối; rồi tiếp xúc từng hộ và tìm cách thoát nghèo cho họ.
“Chẳng hạn, gia đình người này sắp sửa nhà thì phải hỗ trợ dọn dẹp, hộ kia cần buôn bán thì cho vay vốn, nhà có người đau ốm thì phải xét hưởng trợ cấp xã hội” - bà Cánh dẫn chứng.
Nhờ vậy, quận 5 đã tìm được con đường thoát nghèo cho những hộ khó khăn nhất tại địa phương.
Sau nhiều năm làm công tác xóa nghèo, Chủ tịch UBND phường 1, quận Tân Bình, ông Châu Văn Tình đúc kết: Hộ nghèo thường rơi vào gia đình chỉ có một lao động chính. Với những trường hợp này, địa phương phải kiên trì vận động cùng với hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho các thành viên còn lại để không dồn gánh nặng kinh tế vào một người. Đây cũng là cách xóa dần tâm lý trông chờ, thụ động của người nghèo.
“Chúng tôi không thể đem tiền chăm lo mãi mà quan trọng là tạo điều kiện để người nghèo có thu nhập bền vững. Phường 1 chọn cách ưu tiên hỗ trợ cho con hộ nghèo, cận nghèo học hành đến nơi đến chốn, rồi giúp họ tìm việc làm. Bên cạnh đó, phường cũng hỗ trợ việc làm phù hợp với trình độ, chuyên môn cho người nghèo. Cách làm này đã mang lại hiệu quả” - ông Tình chia sẻ.
Nhân văn và khoa học
Gắn bó với chương trình giảm nghèo của TP từ ngày đầu, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cho biết chương trình không chỉ đậm tính nhân văn mà cách làm cũng rất khoa học. “Nhờ cách tiếp cận, triển khai toàn diện và đồng bộ, có bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn nên công tác giảm nghèo được căn cơ, vững chắc. Chương trình không chỉ giúp người nghèo có tiền để có cái ăn hằng ngày, qua cơn túng thiếu nhất thời, mà còn giúp họ đủ sức thoát nghèo bằng chính năng lực và nghề nghiệp của mình” - ông Tài nhấn mạnh.
Theo ông Tài, sự trợ giúp đó không phải ban phát cho người nghèo mà là sự đồng hành, tạo mọi điều kiện để họ thêm động lực, tự tin vươn lên thoát nghèo. Điều này được chứng minh trong 40 năm qua khi vị trí người lao động, người nghèo luôn được chính quyền quan tâm và tôn trọng.
Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải đánh giá: “Thành công của chương trình trước hết và rõ nét nhất là góp phần giảm chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư của TP, từ hơn 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014; kéo giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn; không còn chênh lệch trong nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nội thành và ngoại thành. Không chỉ một số lớn hộ thoát nghèo mà mức sống, điều kiện sống và chất lượng sống của người nghèo ở TP đã được cải thiện đáng kể trên nhiều mặt”.
Trân trọng, tự hào về thành tựu đạt được nhưng Bí thư Thành ủy cũng nhìn nhận kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo đối với một bộ phận dân cư vẫn còn khá cao.
“Lạm phát cao làm thu hẹp sản xuất, tăng thất nghiệp; giá nông sản không ổn định hoặc mất mùa… đều là nguy cơ tái nghèo. Những hộ vừa thoát chuẩn nghèo không được tiếp tục thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của chương trình sẽ gặp khó khăn, giảm nghèo không bền vững” - ông Hải phân tích.
Trong thời gian tới, ông Lê Thanh Hải cho rằng chính sách giảm nghèo phải được xây dựng và thực hiện theo hướng giảm dần tính trợ cấp, tăng cường các chính sách và giải pháp thiết thực mang tính tác động, hỗ trợ cao để tổ chức sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho làm ăn, tạo cơ hội học tập cho con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định để hộ nghèo, hộ cận nghèo TP an tâm, tự tin tổ chức làm ăn, sinh sống, giảm được nghèo, vươn lên phát đạt.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế cũng như luôn dành ưu tiên về ngân sách để thực hiện giảm nghèo.
TP HCM là nguồn cội của chương trình giảm nghèo
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, TP là nguồn cội của chương trình xóa đói, giảm nghèo. Sau 23 năm thực hiện, tổng kết là dịp khẳng định đây là chủ trương hết sức đúng đắn, tăng trưởng kinh tế phải bảo đảm an sinh xã hội. Thành tựu giảm nghèo của TP HCM góp phần rất lớn vào mục tiêu này.
“Tôi thật sự xúc động trước hình ảnh tổ tự quản giúp đỡ hộ nghèo ở từng phường, từng xã, từng quận, từng huyện. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về giảm nghèo bền vững, bộ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình với những tiêu chí phù hợp, chính sách giảm nghèo theo hướng giảm dần trợ cấp cho không, thay vào đó là hỗ trợ kịp thời, cần cái gì hỗ trợ cái đó để giảm nghèo hiệu quả hơn như TP đã làm” - bà Chuyền khẳng định.
Bình luận (0)