Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hôm qua, 18-11, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên đã xuống, riêng hạ lưu sông Ba - Phú Yên lên chậm.
Dự báo lũ hạ lưu sông Ba sẽ tiếp tục lên, các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên tiếp tục xuống và ở mức báo động 1-2. Tuy nhiên, trung tâm cũng khuyến cáo các địa phương từ Quảng Nam đến Phú Yên đề phòng lũ có khả năng lên lại.
Mưa lũ gây ngập lụt nhiều tuyến đường ở Bình Định. Ảnh: TTXVN
Hạ du lại ngập
Bình Định vẫn tiếp tục có mưa to trong ngày 18-11. Hiện hai hồ chứa nước lớn nhất của tỉnh là Núi Một và Định Bình đã qua tràn. Trước tình hình này, ngành chức năng đã quyết định xả lũ, điều tiết nước trên 1.000 m³/giây. Lập tức, hàng ngàn hộ dân tại các vùng hạ du bị ngập sâu.
Tại Phú Yên, theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh, các hồ thủy điện đang xả lũ với lưu lượng tăng dần. Trong đó, Thủy điện Sông Ba Hạ từ 1.700 m³/giây lúc 8 giờ đã tăng lưu lượng lên 2.855 m3/giây hồi 13 giờ.
Tương tự, Thủy điện Sông Hinh đã tăng lưu lượng xả lũ từ 450 m³/giây lên 1.000 m³/giây. Riêng Thủy điện Krông HNăng, bậc trên của Thủy điện Sông Ba Hạ, vẫn đang giữ mức xả lũ 120 m³/giây.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Phú Yên đã yêu cầu các địa phương duy trì những biện pháp bảo vệ dân cư ở các vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp và có khả năng sạt lở đất; bố trí lực lượng vùng ngập nước, chảy xiết nguy hiểm để bảo vệ và cấm người qua lại...
Hai hồ thủy điện Bình Điền và Hương Điền tại Thừa Thiên - Huế vẫn đang xả lũ. Lãnh đạo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã đi kiểm tra để chỉ đạo vận hành xả lũ theo quy trình, xả vào ban ngày, hạn chế xả về đêm để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.
Đường ách tắc, nhiều vùng cô lập
Ở Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh qua huyện Phước Sơn bị sạt lở nhiều điểm, gây ách tắc giao thông. Cầu Đen Gò Nổi tại huyện Điện Bàn bị sụt lún nghiêm trọng, các phương tiện vẫn chưa qua lại được. Tỉnh lộ từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My vẫn còn bị nước lũ chia cắt, gây cô lập nhiều vùng.
Ông Huỳnh Văn Phong, thành viên Ban Chỉ đạo PCLB Nam Trà My, cho biết sạt lở núi đã làm tê liệt hoàn toàn giao thông từ huyện về tỉnh và về các xã.
Tại Quảng Ngãi, sau một ngày đêm phối hợp thi công khẩn trương, sáng 18-11, đường Sơn Hà - Sơn Tây bị núi lở làm cô lập đã được thông tuyến. Trong khi đó, tuyến giao thông từ huyện Trà Bồng lên huyện miền núi Tây Trà vẫn còn bị tắc nghẽn do đất đá sạt lở. Hiện người dân Tây Trà đang gặp rất nhiều khó khăn về thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu do bị cô lập.
Trước đó, khuya 17-11, cầu treo bắt qua sông Rin thuộc xã Sơn Thủy, huyện miền núi Sơn Hà đã bị đứt làm 300 hộ dân ở 2 thôn của xã này bị cô lập.
Trong khi đó, nhiều tuyến đường nội tỉnh ở Bình Định cũng bị nước tràn qua hoặc sạt lở gây ách tắt giao thông; các xã ven đê khu Đông phía Đông Nam huyện Phù Cát và phía Đông huyện Tuy Phước bị ngập 0,7- 1,5 m...
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCLB-TKCN Trung ương, tính đến chiều 18-11, đợt mưa lũ đang diễn ra ở miền Trung đã làm 20 người chết và 7 người mất tích.
Sau khi nước bắt đầu rút, các địa phương đã khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 500 tấn lúa giống, 5 tấn ngô giống và 3 tấn giống rau cho người dân khôi phục sản xuất.
Tại Quảng Nam, Bộ Y tế đã cấp 100.000 viên Cloramin B và 30 cơ số thuốc cho tỉnh xử lý môi trường, nguồn nước uống. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng đã cử cán bộ về vùng ngập lụt hướng dẫn bà con vệ sinh phòng dịch, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt.
Ngày 18-11, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo, 1.000 tấn giống cây trồng các loại, 100 cơ số thuốc và 310 tỉ đồng để giúp người dân sớm ổn định đời sống và sản xuất; khắc phục các công trình giao thông, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng.
Cần lập hội đồng điều tiết xả lũ
Chiều 18-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt ở Thừa Thiên – Huế.
Kiểm tra việc xả lũ của hồ thủy điện Bình Điền, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế phải luôn theo sát diễn biến mưa lũ để điều hành xả nước cho phù hợp.
Phó Thủ tướng cho rằng Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo tốt công tác điều tiết lũ tại các hồ chứa nên không tạo ra lũ nhân tạo; đồng thời yêu cầu tỉnh thành lập hội đồng điều tiết việc xả lũ của các hồ thủy điện, thủy lợi.
“Trước mùa mưa lũ, hội đồng này sẽ yêu cầu các hồ thủy điện, thủy lợi báo cáo tình hình lượng nước. Khi lũ về, các hồ chỉ được xả lũ khi đã được hội đồng này đồng ý” - Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức thăm hỏi, chăm lo cho các gia đình có người bị nạn và tiếp tục triển khai tìm kiếm những người mất tích; giúp dân dọn dẹp vệ sinh, ngăn chặn dịch bệnh sau lũ...
Phó Thủ tướng khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho Thừa Thiên – Huế; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan căn cứ vào tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra và những khó khăn trong việc phòng chống lũ theo kiến nghị của Thừa Thiên – Huế để hỗ trợ.
Q.Nhật |
Bình luận (0)