Sáng 17-11, tại Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (BCĐ), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định để nghe báo cáo về tình hình khắc phục hậu quả và công tác phòng chống, đối phó với mưa lũ trong những ngày tới.
Đến chiều 17-11, nhiều nơi ở Thừa Thiên - Huế vẫn còn bị ngập nặng. Ảnh: TTXVN
Hầu hết hồ chứa đã tích đầy nước
Theo báo cáo nhanh của BCĐ tại buổi giao ban trực tuyến, tại miền Trung, mưa lũ đã làm 14 người chết (Quảng Trị 1 người, Thừa Thiên- Huế 7, Quảng Nam 2, Quảng Ngãi 3, Bình Định 1) và 2 người mất tích (Thừa Thiên- Huế 1, Quảng Nam 1). Tuy vậy, đến chiều 17-11, theo số liệu chưa đầy đủ, riêng tỉnh Quảng Nam đã có đến 5 người chết, 3 người mất tích.
Trong đêm 16 và ngày 17-11, lũ trên sông Hương, sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), sông Trà Bồng ở Quảng Ngãi đã đạt đỉnh. đêm 17-11, sông Vệ, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi và các sông ở Bình Định đã lên và đạt mức báo động III, trên báo động III. Hầu hết 40 hồ chứa nước (trên 1 triệu m3) từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã tích đầy nước, vượt tràn. Một số hồ chứa nước đã xả lũ theo quy trình, tham gia cắt lũ cho hạ du.
Tại buổi giao ban trực tuyến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải theo dõi chặt chẽ lượng mưa, mức lũ dâng và rút, trong đó tập trung chủ yếu vào Quảng Ngãi và Bình Định để chủ động đối phó.
Tổ chức kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng tại chỗ để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, nhất là hồ chứa nhỏ, các hồ đang xả lũ theo quy trình; triển khai lực lượng hướng dẫn giao thông ở tất cả các khu vực bị ngập nặng, sạt lở hướng dẫn cho người dân và khắc phục giao thông những nơi hư hại.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Lãnh đạo các địa phương cần phải sâu sát, đặc biệt quan tâm đến công tác cứu hộ, di dời dân, tìm kiếm người mất tích, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà sập, hư hỏng trong lũ và dồn sức giúp dân ổn định đời sống, sản xuất khi lũ rút.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trên các sông ở Bình Định tiếp tục lên; các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục xuống nhưng đều có khả năng lên lại. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt sâu trên diện rộng ở vùng hạ lưu các sông thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.
Nhiều nơi bị chia cắt
Theo BCĐ, tính đến cuối ngày 17-11, tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã có trên 22.000 hộ dân bị ngập, trong đó nặng nhất là tỉnh Thừa Thiên - Huế với 11.336 hộ, Quảng Ngãi 8.500 hộ.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã sơ tán 1.582 hộ với 6.500 nhân khẩu tại các huyện Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc đến vùng cao tránh lũ. Tại huyện Đại Lộc có khoảng 5.000 nhà dân bị ngập, khoảng 1.000 ha lúa và rau màu bị hư hại, hơn 1.300 m3 mặt đường sạt lở, long tróc... ước thiệt hại gần 100 tỉ đồng.
Tại huyện Nam Giang, gần 300 ha lúa rẫy của bà con dân tộc thiểu số ở các xã Trà Dy, Tàbhing... bị ngã đổ, hàng ngàn mét kênh mương bị vùi lấp.
Tại huyện Phước Sơn đã có hàng trăm hecta lúa rẫy của đồng bào dân tộc bị ngã đổ, thất thu khoảng 150 tấn, trên địa bàn huyện cũng có khoảng 60 con trâu bò chết do đói và rét...
Gần 1.000 ngôi nhà ở huyện Nông Sơn bị ngập sâu trong nước lũ. Trong khi đó, mưa lũ đã làm hơn 10.000 m3 đất đắp ao nuôi tôm, đê ngăn mặn ở huyện Núi Thành bị sạt lở, nhiều hộ dân bị ngập.
Tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, nhiều nơi nước ngập sâu từ 0,5 đến 2 m, làm cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình mưa lũ, diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam đã di dời, sơ tán khẩn cấp khoảng 15.000 người, trong đó một số huyện phải sơ tán dân nhiều như Đại Lộc (khoảng 10.000 người), Nông Sơn (khoảng 4.000 người)... Riêng huyện Duy Xuyên, trong ngày 17-11, đã có đến 12/14 xã, thị trấn bị ngập.
Hai huyện miền núi Nam Trà My và Bắc Trà My, mưa vẫn còn to khiến tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã tiếp tục sạt lở nghiêm trọng.
Ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: “Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường liên xã bị chia cắt. Các xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Can, huyện Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn gần một tuần qua”.
Tương tự, tại huyện Hương Thủy và TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có trên 8.000 hộ dân ở vùng thấp trũng, ngập lụt, có nguy cơ sạt lở đất được đưa đến nơi an toàn.
Tại Quảng Ngãi, do mưa lớn kéo dài dẫn đến lụt lớn nên chiều 17-11, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương như Nghĩa Hành, Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh tổ chức di dời cho 1.660 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; chỉ đạo các ngành chức năng bảo đảm an ninh trật tự, lương thực, nước uống tại các điểm ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1A, khắc phục sạt lở các tuyến đường giao thông trong tỉnh.
Tối 16-11, tại xóm Ka Lăng, thôn Gò Rin, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, đã xảy ra một vụ lở núi làm sập hoàn toàn 3 căn nhà, một người thiệt mạng (em Đinh Thị Tâm, 10 tuổi), 3 người khác bị thương.
Hiện sức khỏe của 3 nạn nhân bị thương đã hồi phục. Cũng trong chiều tối cùng ngày, tại cầu nước Sim, huyện Sơn Hà, người dân địa phương cho biết đã có một người đàn ông đi xe máy khi qua cầu bị nước lũ cuốn trôi cả xe và người.
Ba người trong một gia đình thiệt mạng
Chiều 17-11, gia đình, chính quyền xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng người dân đã tổ chức đám tang cho ông Lê Đắc Cho (trú thôn Thủy Thanh Tây, xã Thủy Thanh) cùng vợ và con gái chết do lật thuyền trong lũ.
Trước đó, vào khoảng 16 giờ ngày 16-11, trong khi nước lũ dâng cao, vợ chồng ông Cho chèo thuyền đưa con gái Lê Thị Hồng (21 tuổi) vượt sông để lên KCN Phú Bài (thị xã Hương Thủy) làm việc nhưng đi được hơn 1 km thì gặp nạn, cả 3 người thiệt mạng.
Q.Nhật |
Bình luận (0)