Theo phân tích của ông Khôi, đối với loài rùa to mai mềm (40-50 kg) khi di chuyển thường để lại các vệt tăm bong bóng chạy dài trên mặt nước giống như kiểu máy bay phản lực để lại các dải khói đằng sau. Vào đợt bắt rùa ngày 3-4 vừa qua, đội lai dắt rùa hồ Gươm đã phát hiện 2 vệt tăm rùa rất lớn, một ở khu vực gần UBND TP Hà Nội (phố Đinh Tiên Hoàng), một ở gần nhà hàng Thủy Tạ (phố Lê Thái Tổ). Trên thuyền lúc đó cũng có PGS-TS Hà Đình Đức – người được mệnh danh là “nhà rùa học”. Lãnh đạo TP đã quyết định cho thả lưới ở khu vực nhà hàng Thủy Tạ và sau đó đã bắt được “cụ” rùa hiện đang điều trị.
Cùng quan điểm như ông Khôi, TS Đặng Gia Tùng, Giám đốc Vườn thú Hà Nội cũng cho hay ông đã từng nhìn thấy lưng của 2 cá thể rùa nổi trên mặt nước hồ Gươm. Còn theo ông Lưu Đức Ngò, người có 500 kiểu ảnh về “cụ” rùa, hồ Gươm có thể có tới… 5 “cụ” rùa sinh sống. Ông Khôi còn bổ sung rùa hồ Gươm có thể đã có hậu duệ.
Theo GS Mai Đình Yên, thời gian tới, các chuyên gia, nhà khoa học của Hội Động vật học và Hội Sinh thái học sẽ xác định ADN để xem rùa hồ Gươm là “cụ ông” hay “cụ bà”, thuộc loài nào, tuổi thọ bao nhiêu…
Bình luận (0)