Khoảng tháng 4-1554, Từ Hải cùng Trần Đông, Ma Diệp từ biển kéo quân vào cướp phá. Một cánh đánh cướp vùng Duy Dương, phía Đông khống chế Kinh Khẩu; một cánh từ Tùng Giang đánh vào Thượng Hải; một cánh từ cửa khẩu Ðịnh Hải vào cướp phá Từ Khê. Riêng Từ Hải mang hơn 1 vạn quân đánh vào Sạ Phố. Sau khi đổ bộ thì cho đốt thuyền, ra lệnh tử chiến, rồi kéo đến căn cứ cũ là Chá Lâm. Vào thời điểm nước sôi lửa bỏng này thì danh tướng Hồ Tông Hiến xuất trận đối địch.
Tổng đốc “kinh luân gồm tài”
Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du viết: “Có quan tổng đốc trọng thần, là Hồ Tông Hiến kinh luân gồm tài”.
Hồ Tông Hiến (1511-1565) là dòng dõi Hồ Viêm, người Tích Khê, Huy Châu, đồng hương với Từ Hải, Vương Trực; tự Nhữ Trinh, hiệu Mai Lâm, ngoại hiệu Lâm Long Xuyên Nhân. Năm Gia Tĩnh thứ 17 (1538), Tông Hiến đậu tiến sĩ, được học chính vụ ở Hình bộ rồi làm tri huyện Ích Đô, tỉnh Sơn Đông.
Thời gian này, đời sống dân chúng khổ sở vì nạn sưu thuế, cướp bóc, đến nỗi trong dân gian có câu “Gia Tĩnh, Gia Tĩnh; gia gia giai tận”. Theo “Minh danh thần ngôn hành lục” (ghi chép lời nói, việc làm của các đại thần triều minh), Tông Hiến đã thể hiện tài năng của mình qua việc dẹp loạn đảng giặc “Thảo Thượng Phi”, diệt nạn ốc sên phá hại mùa màng… tiếng tăm nổi dậy. Từ năm 1542, do mẹ và cha nối nhau qua đời nên Tông Hiến về quê cư tang suốt 5 năm. Thời gian này, ông tập trung nghiền ngẫm các kinh điển “Võ kinh thất thư”, “Đại học diễn nghĩa”, tạo cơ sở vững chắc để về sau làm tướng điều binh đánh trận.
Sau khi mãn tang, Hồ Tông Hiến tiếp tục tham chính, làm tri huyện Dư Diêu rồi được thăng Ngự sử án sát Tuyên Phủ, Đại Đồng; Tuần án đạo Hồ Quảng, có công bình định cuộc nổi dậy của người Miêu. Tông Hiến chú trọng việc huấn luyện sĩ tốt, quân kỷ nghiêm khắc.
Tháng 4-1554, Hồ Tông Hiến được triều đình tin tưởng bổ nhiệm làm Tuần án giám sát ngự sử Chiết Giang - nơi mà hải khấu Từ Hải, Vương Trực đang hoành hành. Biết đây là việc trọng đại, trách nhiệm nặng nề, trước khi ra nhậm chức, Tông Hiến thề: “Ta ra đi lần này, không bắt được bọn Vương Trực, Từ Hải, bình định vùng Đông Nam, thề không về Kinh”.
Lúc này, tại Triết Giang, quan Tổng đốc là Trương Kinh, Tuần phủ Lý Thiên Sủng là những người giỏi, có công đánh hải khấu nhưng không được lòng quan Thị lang Triệu Văn Hoa do vua cử đến làm giám sát quân vụ cả vùng Giang Nam. Triệu Văn Hoa dựa thế con nuôi của Thủ phụ Nghiêm Tung - người có quyền thế chẳng kém vua Gia Tĩnh nên làm nhiều điều quá phận.
Trương Kinh và Lý Thiên Sủng tỏ rõ thái độ không ưa, chỉ có Hồ Tông Hiến lấy lòng nên được Triệu Văn Hoa rất vừa ý, hết sức nâng đỡ. Tông Hiến được giữ chức Hữu thiêm Ðô Ngự sử, làm Tuần phủ Chiết Giang. Sau đó, ông được tiến cử lên Binh bộ Tả thị lang kiêm Đô sát viện Tả thiêm đô ngự sử để làm Tổng đốc Chiết Giang, Nam Trực Lệ và Phúc Kiến, có quyền điều động binh mã khắp 7 tỉnh Giang Nam, Giang Bắc, quyền hành rất lớn so với các tổng đốc khác.
Nếm mùi bại trận
Khởi đầu, Hồ Tông Hiến đã nếm sự lợi hại của Từ Hải. Khi Từ Hải kéo quân Sạ Phố tấn công xuống Hàng Châu, Tô Châu, Hồ Châu và uy hiếp Kim Lăng, Tông Hiến phái Tham tướng Tông Lễ dẫn quân ở Hà Sóc giao chiến tại Tam Lý Kiều, Sùng Ðức.
Mới đầu, Tông Lễ thắng liên tiếp cả 3 trận nên cho rằng thủy quân Từ Hải chẳng qua chỉ có hư danh. Thế nhưng, giữa lúc Tông Lễ chuẩn bị báo tin thắng trận lần thứ tư thì quân Từ Hải bất ngờ phản công mãnh liệt. Quân triều đình bị hết thuốc súng, Tông Lễ và tỳ tướng Hoắc Quán Đạo bị giết tại trận, quân Từ Hải thừa thắng tấn công, vây khốn đề đốc Nguyễn Ngạc tại Đồng Hương, còn chia quân tiến đánh Sùng Đức.
Theo “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt” thì “lúc bấy giờ, Hồ Tổng đốc mang quân tới Sùng Ðức, nghe tin chảy nước mắt than rằng: “Quân Hà Sóc đã bại trận, phía Đông Nam không thể chống đỡ được, giặc đã vây hãm Ðồng Hương, lại chia quân đến Sùng Ðức vây khốn ta. Hai chúng ta (chỉ Hồ Tông Hiến và Nguyễn Ngạc) chẳng khác gì ôm đá tự trầm mình, việc quốc gia biết làm sao đây?”. Sau đó, Tông Hiến phải lui về giữ Hàng Châu.
Tuy nhiên, Hồ Tông Hiến không phải tay vừa, nhanh chóng củng cố lực lượng phòng giữ những nơi hiểm yếu. Dưới trướng Hồ Tổng đốc lúc bấy giờ quy tụ những nhân vật danh tiếng: về võ có các tướng Du Đại Du, Thích Kế Quang tinh trận mạc, giỏi luyện binh; về văn có Từ Vị, Mao Khôn, Văn Chính Minh nhiều mưu lạ, thông văn từ.
Đầu năm 1555, quân Từ Hải, Ma Diệp tấn công vùng Ôn Châu, Đài Châu ở Triết Đông, Hồ Tông Hiến lập tức kéo quân về Gia Hưng. Tông Hiến lập mưu bỏ thuốc độc vào hơn trăm vò rượu, 50 bao gạo, chọn lính gan dạ giả vờ con buôn chở ngang qua doanh trại địch. Hải tặc tranh nhau cướp vào ăn uống, kết quả là chết đến 700-800 tên. Tông Hiến lại mật lệnh cho các quán ăn uống xung quanh thành bỏ thuốc độc vào thực phẩm, dân chúng thì hạ độc nguồn nước giếng, gạo mắm khiến hải khấu đói không dám ăn, khát không dám uống, không thể chiếm đóng lâu.
Tháng 11-1555, hải khấu từ Phúc Châu, Phúc Kiến vượt Bình Dương vào đến Ninh Ba, Phụng Hóa, Tiền Đường, giết chết các tướng Lưu Long, Lưu Cương, Trương Trừng. Hồ Tông Hiến bình tĩnh suy xét thế giặc, dẫn quân phối hợp cùng các phó tướng Hứa Đông Vọng, Dung Mỹ lập trận địa mai phục tại Tây Sơn Lĩnh, giết 520 tên.
Lập chí diệt hải tặc
Hồ Tông Hiến nghiền ngẫm binh thư, khảo sát thực địa, tổng kết kinh nghiệm và viết thành “Trù hải đồ biên” gồm 13 cuốn, trình bày các chiến thuật, chiến lược chống hải khấu. Tông Hiến còn cho vẽ đồ hình các thành quách, phủ huyện vùng duyên hải cùng các loại thuyền chiến, khí giới trên biển... để ngày đêm huấn luyện binh lính tác chiến. Tông Hiến xem “Trù hải đồ biên” là cẩm nang phòng chống Oa khấu của binh gia, “như lương y lập phương thuốc chữa bệnh vậy”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-8
Kỳ tới: Chiêu dụ Vương Trực, ly gián Từ Hải
Bình luận (0)