Đây có thể xem là tin vui, ít nhất đối với những người vẫn canh cánh nỗi lo về an toàn thực phẩm, về các vụ tạt axít tàn độc.
TP HCM hiện có trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, y tế, thực phẩm, thú y, bảo vệ thực vật... Với hàng ngàn loại hóa chất được bày bán, chợ Kim Biên (quận 5) là cái tên được điểm mặt đầu tiên. Đến nỗi một kỹ sư hóa phải thốt lên: “Trong chợ này có đủ hết, chỉ còn thiếu... trái bom thôi!”. Một số người buôn bán ở đây cũng không dè dặt khi cho rằng “trên thế giới có loại hóa chất gì thì chợ Kim Biên có thứ đó”. Mọi thứ đều được bày bán công khai, giá rẻ, mua cũng rất dễ dàng.
Thực phẩm không an toàn là con đường thênh thang dẫn đến hàng trăm loại bệnh, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngộ độc cấp tính, chẳng hạn như những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, dù nguy hiểm vẫn có thể xử lý được. Vấn đề gai góc nhất là tình trạng ngộ độc mạn tính với những độc chất gây hại tích lũy dần trong cơ thể, để rồi từng giờ từng ngày bào mòn sự sống. WHO lưu ý trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng nhanh, từ 14 triệu lên 22 triệu, trong đó Việt Nam được dự báo có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới. Nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp thực phẩm.
Bên cạnh các phụ gia thực phẩm, mặt hàng hương liệu trên thị trường cũng rất đa dạng. Liệu những sản phẩm này có được kiểm soát gắt gao để bảo đảm tính an toàn? Câu hỏi không dễ trả lời. Chỉ biết rằng khi các chất độc hại tha hồ “nhảy múa” trong hương liệu thì khả năng người tiêu dùng bị rối loạn nội tiết, thương tổn gan, thận là không thể tránh khỏi.
Nếu như thực phẩm hay hương liệu có độc chất gây âu lo dai dẳng thì một loại hóa chất khác được coi là nỗi ám ảnh triền miên. Dư luận gần đây tỏ ra bất an về những vụ trả thù man rợ bằng axít - một loại hóa chất mua dễ như rau. Từ tháng 7 đến nay, một loạt vụ tạt axít đã xảy ra tại Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nội và mới đây nhất là ở TP HCM với vụ nữ sinh V.T.H bị người yêu cũ tạt axít lên mặt. Ai cũng hiểu nỗi đau tinh thần lâu dài mà nạn nhân bị tạt axít phải chịu nặng nề hơn nhiều so với sự đau đớn thể xác. Ai cũng biết axít đã trở thành thứ phương tiện gây thương tích tồi tệ nhất, cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng vì sao axít vẫn là thứ “cần là có” và những kẻ ra tay tàn độc thì chưa bị xử lý tương xứng với hành động đê hèn của họ?!
Hy vọng đợt tổng kiểm tra đang diễn ra sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề xã hội đặt ra liên quan đến hóa chất.
Bình luận (0)