Các tỉnh, thành, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Đồng Tháp năm nay có sự biến động đáng kể về tình hình trồng và mua bán hoa ở các làng nghề, nhà vườn.
Thời tiết khó lường
Năm làng nghề truyền thống chuyên trồng hoa mai, gồm Háo Đức, Thanh Liêm, Trung Định, Thuận Thái và Tân Dương thuộc xã Nhơn An, thị xã An Nhơn - Bình Định trước nay được mệnh danh là “thủ phủ” của mai kiểng. Xã này có hơn 2.500 hộ, trong đó khoảng 1.500 hộ trồng mai chuyên nghiệp. Trong số đó có đến 95% số hộ sống nhờ vào cây mai. Hộ trồng ít cũng được 300 - 400 chậu, hộ trồng nhiều lên đến 4.000 - 5.000 chậu.
Những ngày này, vườn mai trên 5.000 gốc của ông Võ Chấp Chánh ở làng Tân Dương bắt đầu nở, nhiều cây đã bung hoa vàng rực. Ông Chánh dù có thâm niên trồng mai hàng chục năm, kinh nghiệm đầy mình nhưng cũng đành bất lực trước sự “đỏng đảnh” của thời tiết. “Năm nay, nắng nóng kéo dài một cách bất thường, lại thêm tháng nhuận nữa nên mai nở sớm hơn. Sống bằng nghề này, cả năm cơ cực, chỉ chờ đến cuối năm bán mai mới có tiền nhưng năm nay xem ra lỗ nặng. Nhìn thấy mai nở mỗi ngày, chúng tôi chảy nước mắt” - ông Chánh rầu rĩ.
Rời Tân Dương, chúng tôi ghé vào vườn mai lớn nhất ở làng Háo Đức của ông Lê Văn Phú, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thôn Háo Đức. Với hơn 6.000 chậu mai từ 1 đến hơn 10 năm tuổi, vào dịp Tết hằng năm, ông Đức bán ra thị trường từ 1.200 đến 1.500 cây. Giá bình quân từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/chậu, thu về hơn 1 tỉ đồng. Ông Phú than: “Trồng mai khó nhất là làm sao để cho hoa nở đúng dịp Tết. Nếu thời tiết thuận lợi thì dễ, còn khắc nghiệt và khó lường như năm nay thì bó tay. Mấy năm trước, trời lạnh kéo dài, thấy mai “cười” thì mình cũng cười theo. Còn bây giờ, mai nở hoa mà mình muốn khóc!”.
Theo ông Đỗ Văn Khoa, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, thông thường, nếu thời tiết lạnh kéo dài thì có thể nhặt lá sớm, kết hợp dùng thuốc kích thích sự phát triển để hoa nở theo ý mình. Tuy nhiên, trời nắng nóng kéo dài trong khi nụ hoa đã lớn thì rất khó kìm cho hoa nở chậm lại được. Ước tính năm nay có trên 50% lượng mai vàng ở địa phương không thể bán được.
Giá cao, không có để bán
Điều chưa từng xảy ra đối với những người trồng mai kiểng ở tỉnh Phú Yên là chỉ mới đầu tháng 11 âm lịch năm nay, tiểu thương từ TPHCM đã ùn ùn kéo ra đây mua mai với giá khá cao. Dù vậy, các nhà vườn chẳng có mai để bán.
Theo ông Nguyễn Văn Công, người có thâm niên trồng mai hơn 20 năm ở khu phố Liên Trì, phường 9, TP Tuy Hòa, trước đây, phần lớn mai ở tỉnh Phú Yên chỉ bán ở các tỉnh phía Bắc và một ít lên Tây Nguyên. Riêng năm nay, thương lái từ TPHCM ra mua mai ào ạt từ rất sớm. “Họ mua với giá cao. Một cây mai Tết năm ngoái giá 1 triệu đồng thì nay 1,6 triệu đồng. Mai được thu gom khi còn lá, miễn có nụ là mua hết” - ông Công nói.
Ông Công cho biết thêm do những vườn mai ở TPHCM đều đã bị nở sớm nên thương lái tỏa đi khắp nơi gom mua mai kiểng về bán lại cho các nhà vườn, chờ đến cận Tết tung ra bán. Xã Bình Kiến và phường 9 của TP Tuy Hòa nổi tiếng ở đất Phú Yên về trồng mai kiểng. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 11 âm lịch, 2 vùng này đã bán được hơn 10.000 chậu mai kiểng, tổng thu hơn 32 tỉ đồng.
Mai được giá nhưng khổ nỗi là nhiều nhà vườn ở tỉnh Phú Yên không có mai để bán vì hầu hết đã nở bung. Hộ ông Nguyễn Văn Hoan ở xã Bình Kiến có hơn 1.500 chậu mai kiểng lớn nhưng Tết này, ông chỉ mong bán được hơn 500 chậu vì 1.000 chậu kia hiện đều đã nở. Ông Hoan chán nản, không muốn đưa ai vào thăm vườn mai của mình. “Người trồng mai kiểng chỉ trông chờ vào dịp Tết. Chi phí cho cả nhà trong suốt một năm chỉ biết trông vào đây. Vậy mà...” - ông Hoan bỏ lửng câu nói.
Không riêng ông Hoan, những nghệ nhân trồng hoa nổi tiếng ở TP Tuy Hòa như Mười Lượm, Tám Bảnh... cũng không ngăn được vườn mai nhà mình đua nở. Người ít thì vài mươi chậu, người nhiều đến hàng trăm chậu đã ra hoa. Theo ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Phú Yên, năm nay là năm nhuận, thời gian phát triển cây mai dài hơn bình thường, trong khi đó lại nắng nhiều, mưa ít, không lạnh nên cây mai đẫy sức, ra hoa sớm dù không cần lặt lá.
Chỉ mong lấy lại vốn Ông Huỳnh Phước Châu, chủ một vườn mai ở quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng, cho biết vào thời điểm này năm ngoái, ông đã bắt đầu xuống lá cho mai để hoa nở đúng dịp Tết; còn nay, nhiều cội mai trong vườn nhà ông đã bắt đầu nở dù chưa xuống lá. “Với tình hình này thì chắc chắn đến Tết sẽ không bán được nữa” - ông Châu nói. Vườn mai của bà Nguyễn Thị Sơn ở quận Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng cũng vậy. Theo bà Sơn, với giá bán từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/cội, vườn mai của bà có thể đem lại doanh thu vài trăm triệu đồng. Nhưng nay, bà chỉ mong lấy lại vốn.
Bích Vân |
Kỳ tới: Đầu ra eo hẹp
Bình luận (0)