Nhiều nhà vườn trồng hoa ở thị xã Sa Đéc - Đồng Tháp cho biết nhiều ruộng hoa sẽ không kịp đơm bông đúng dịp Tết Nguyên đán năm nay vì thời tiết khắc nghiệt. Nhiều giỏ hoa còn đang xanh tốt nhưng đã bị lật ngửa, nằm chờ chết. Những nhà vườn may mắn có được những giỏ hoa ưng ý thì lại đứng ngồi không yên vì thiếu đầu ra.
Hoa kiểng ở Sa Đéc rất nhiều nhưng ít thương lái đến đặt mua. Ảnh: THỐT NỐT
Hên xui!
Ông Trần Công Hải, chủ nhà vườn chuyên trồng cúc mâm xôi ở xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, cho biết nhà ông trồng 3.000 giỏ hoa để bán Tết. Năm nay, ông sẽ bị thất thu khoảng 30% vì hoa nhiễm bệnh, không chữa trị được. Cũng theo ông Hải, sở dĩ vẫn còn nhiều người trồng hoa cúc mâm xôi là vì thị trường chuộng, giá tương đối ổn định so với các loại hoa khác.
Tuy nhiên, để có được một giỏ hoa đẹp không phải chuyện dễ, chỉ cần một đêm trái gió trở trời là hoa đổ bệnh, nhà vườn trắng tay. Thậm chí, nếu bón phân không đúng cách cũng làm cho hoa héo khô hoặc chết hàng loạt. Đặc biệt là ở giai đoạn chuẩn bị nở, nếu gặp mưa dầm thì coi như nhà vườn mất sạch.
Ngoài ra, mỗi đợt trồng hoa, nhà vườn còn chịu mất thêm khoảng 10% số lượng giỏ vì hoa thường mắc bệnh chết xanh, còn gọi là bệnh ngủ ngày. Theo tính toán của ông Hải, trung bình mỗi công hoa (1.000 m2) chỉ trồng được 1.500 giỏ, chi phí 20-30 triệu đồng.
Năm nào thời tiết tốt thì nông dân có thể đạt lợi nhuận 100%, còn ngược lại thì lo bán đất trả nợ! “Trồng hoa hên xui lắm. Đã vậy mà đến giờ này vẫn chưa có mối lái nào tới đặt mua. Năm nay, 4 anh em tôi trồng hơn 15.000 giỏ hoa với hy vọng sẽ bán chạy, có tiền giải quyết bớt nợ nần của đợt Tết năm ngoái. Nếu cứ tiếp tục thua lỗ hoài thì chắc không còn ai dám trồng hoa nữa và làng hoa Sa Đéc chỉ còn là hư danh” - ông Hải nói.
Chăm sóc vườn cúc chờ bán vào dịp Tết ở quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng. Ảnh: BÍCH VÂN
Thất thu
Vào thời điểm này mọi năm, người trồng hoa ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn - Bình Định bắt đầu nhận tiền đặt cọc mua mai của các thương lái đến từ Hà Nội, Gia Lai, Đắk Lắk, TPHCM, Khánh Hòa… Nhưng trước tình trạng mai nở sớm bất thường như năm nay, rất ít người trồng dám nhận tiền cọc.
“Năm ngoái, tôi nhận tiền cọc gần 150 triệu đồng của thương lái đặt mua 400 chậu mai, rốt cuộc đành phải trả lại cho họ. Năm nay, tôi vừa nhận tiền đặt cọc thì hoa đã nở lác đác nên chưa dám xài đồng nào, chắc cũng phải trả lại cho khách hàng” - ông Võ Chấp Chánh, ở làng mai Tân Dương, xã Nhơn An, rầu rĩ.
Ông Bùi Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho biết: “Mọi năm, doanh thu từ bán mai Tết của người trồng hoa trong xã đạt gần 10 tỉ đồng với hàng triệu chậu mai. Còn năm nay, với đà nắng nóng kéo dài khiến mai nở sớm như thế này, chắc doanh thu sẽ chẳng bao nhiêu”.
Theo nhận định của nhiều người trồng mai ở xã Nhơn An, nếu với thời tiết nắng kéo dài thì mai Tết năm nay sẽ rất khan hiếm, đồng nghĩa giá sẽ tăng, trong khi cây mai sẽ cho ít hoa và không đẹp.
Các chủ nhà vườn ở TP Đà Nẵng đều cho rằng năm nay chi phí cho hoa Tết tăng gấp 3-4 lần so với các năm vì thời tiết không thuận. Các vườn hoa đều phải tăng thời gian thắp sáng đèn, bón thêm phân, tưới nước… Ban đầu, ông Lê Thành Nhi, chủ một vườn cúc ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng, dự tính: Với hơn 2.000 chậu cúc, sau khi bán hết, ông có thể lãi từ 80 đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay chi phí tăng nên lợi nhuận sẽ giảm một nửa. Còn nếu hoa nở quá sớm, ông Nhi có nguy cơ mất trắng.
Hầu hết những chủ nhà vườn đều là hội viên các hội sinh vật cảnh. Hội chủ yếu là nơi để trao đổi kinh nghiệm chứ không có thẩm quyền và khả năng giải quyết đầu ra cho hội viên. Ông Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc, cho biết mặc dù thị trường hoa Tết năm nay ảm đạm nhưng diện tích đất trồng hoa, cây kiểng ở địa phương lại tăng thêm 420 ha.
Nguyên nhân là do các chủ nhà vườn hy vọng sẽ bán được nhiều hoa trong dịp lễ hội hoa Sa Đéc sắp tới. “Trong khi chờ đợi có cơ chế, chính sách đặc thù cho làng hoa, chúng tôi đang tìm nhiều loại hoa khác thay thế hoa truyền thống để góp phần giải quyết khó khăn cho các hội viên” - ông Lộc cho biết.
Tốn kém
Vườn hoa của ông Lê Thành Nhi có hơn 2.000 chậu cúc. Thời tiết nắng nóng, sợ cúc nở sớm, ông lắp hàng chục bóng đèn điện, chong mỗi đêm 2 giờ nhằm hãm cho hoa chậm nở. Vì thế, công chăm sóc tăng, tốn kém thêm phân bón, vật tư...
Ông Phan Văn Ngang, chủ một vườn hoa Tết ở quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng, cho rằng năm nay, nắng nóng liên tục sẽ khiến hoa nở sớm. Nếu dùng biện pháp làm chậm nở thì sau này hoa sẽ không đẹp như hoa nở tự nhiên được. |
Bình luận (0)