xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoang tàn trong tâm bão

Đoàn Nguyễn - Phước Trịnh

Không như dự báo ban đầu, hôm qua, 29-9, tâm bão số 9 đã đi chệch hướng và hoành hành ở Quảng Nam

Một trận bão kinh hoàng đã bao trùm lên tỉnh Quảng Nam. Tối 28 và cả ngày 29-9, gió trên biển cấp 14, giật cấp 15; trên đất liền cấp 12, giật cấp 13-14. Cơ quan chức năng Quảng Nam nhận định đây là trận bão có cường độ mạnh nhất từ khi tách tỉnh đến nay.

Hàng ngàn gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất do nhà cửa bị gió giật sập hoặc tốc mái. Không còn vùng đất nào là bình yên ở Quảng Nam. Tuy nhiên, thiệt hại khốc liệt nhất là vùng ven biển.


Suốt cả đêm 28 và ngày 29, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã dìu cõng, dắt bồng, đưa khoảng 40.000 người dân đi sơ tán. Các đồn biên phòng trở thành mái nhà chung của hàng vạn đồng bào trong cơn bão dữ. Không chỉ có trường học đóng cửa mà hầu hết cơ quan Nhà nước, công ty, xí nghiệp... cũng không một bóng người.

Việc sinh hoạt trong dân tê liệt, nhiều nhà không còn lương thực do không kịp chuẩn bị. Chợ búa, hàng quán cũng đóng cửa. Nhiều hàng quán từ chối không bán thức ăn cho khách mà để dành dự trữ.

img
Đưa người dân ở Hội An - Quảng Nam đi tránh bão. Ảnh: L.V.Hai


Bão đổ bộ vào Quảng Nam lúc 13 giờ, tâm bão đi qua TP Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Trước đó, trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải hỏi thăm tình hình. Thủ tướng đề nghị tỉnh thường xuyên giữ liên lạc với Trung ương để phối hợp chỉ đạo phòng chống bão, đồng thời yêu cầu phải ưu tiên bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.


Tất cả các sông ở Quảng Nam đều lên trên báo động 3 từ trưa 29-9. Các hồ chứa nước là mối lo lớn của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải có mặt ngay ở hồ chứa nước Vĩnh Trinh (Duy Xuyên) ngay khi bão bắt đầu đổ bộ.

Đây là công trình thủy lợi có dung tích 20 triệu m3 nước, lại đang trong quá trình nâng cấp nên sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu có sự cố. Ông Hải đã điều động khẩn cấp 100 chiến sĩ, dân quân tập kết hàng ngàn bao tải chứa cát để sẵn sàng ứng cứu. Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên được chỉ đạo sơ tán nhanh nhân dân vùng gần hồ. Lúc này, huyện Đông Giang cũng xin ý kiến xả lũ hồ thủy điện A Vương...


Các xã ven biển ở Quảng Nam bị cô lập toàn bộ. Hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu tránh bão trong các âu thuyền bị sóng đánh hỏng. Biển Cẩm An, Cửa Đại (Hội An) bị sóng xâm thực vào bờ hàng chục mét chỉ trong buổi sáng - hiện tượng chưa hề xảy ra ở đây.

img
Công nhân môi trường dọn dẹp đường phố Đà Nẵng. Ảnh: H.Dũng


Chính quyền địa phương phải huy động bộ đội đưa hàng ngàn bao cát đến tấn bờ biển để bảo vệ. Tại huyện Núi Thành, bộ đội biên phòng đã cứu nạn được một tàu hút bùn bứt neo trôi ra biển mang theo 15 người. Cũng tại huyện này, chính quyền đang bối rối vì chưa có phương án tiếp cận 15 người dân nuôi tôm tại xã đảo Tam Hải. Tại thôn Thanh Đệ, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, 10 trẻ em đang tập trung tại một nhà dân chơi thì bị lũ cô lập, chưa thể tiếp cận để ứng cứu.


Bão dữ cũng làm xáo trộn đời sống của du khách đến Quảng Nam. Tại Hội An, chính quyền phải cho người đi “gom” 600 du khách, đa phần là người nước ngoài chưa tìm được chỗ nghỉ thì bị bão tấn công, đưa đến nơi trú ẩn an toàn.


Các huyện miền núi như Nông Sơn, Nam- Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang... bị cô lập vì sạt lở núi làm ách tắc giao thông. Hệ thống điện, liên lạc cũng bị tê liệt.


Đến cuối ngày 29-9, thống kê sơ bộ cho biết ở Quảng Nam có 5 người chết, hàng chục người bị thương vì bão. Mưa bão đã làm hơn 5.200 nhà bị sập, 162.000 nhà tốc mái, trên 50.000 nhà ngập sâu..., tổng thiệt hại ước tính khoảng 3.000 tỉ đồng.

Ngổn ngang Đà Nẵng

Bão số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng không dữ dội như bão Xangsane năm 2006 nhưng lại kéo dài gần 7 giờ suốt buổi sáng 29-9, khiến gần 1 triệu người dân ở Đà Nẵng sống trong khốn khó.


5 giờ, mưa bắt đầu nặng hạt, gió trỗi mạnh, trong khi toàn TP chìm trong bóng tối vì hệ thống điện đã bị tê liệt hoàn toàn từ đêm trước. Nhiều người dân sống trong âu lo, thắc thỏm.

Từ lãnh đạo TP đến người dân dường như thức trắng đêm để chuẩn bị đối phó với bão dữ. Hàng trăm chiến sĩ vội vã đưa những chiếc tàu của ngư dân đi trú bão. Việc sơ tán cũng được tiến hành suốt đêm để đưa trên 27.000 người dân đến nơi an toàn.


6 giờ, gió bão bắt đầu hoành hành. Hàng loạt pa-nô, áp phích bị ngã đổ. Cây cối trên đường phố bị gió cuốn ngã ngổn ngang. Hàng trăm ngôi nhà của người dân, nhất là dọc tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, bị tốc mái. Hàng chục hộ dân trước đó không chịu di chuyển cũng phải cuống quýt chạy lánh bão.


Từ 8 giờ đến 10 giờ, bão rít dữ dội. Nhiều người dân đội mưa gió chèn chống nhà cửa và 4 người đã bị thương.


11 giờ, gió bắt đầu yếu dần. Hàng ngàn người dân đổ nhau ra đường tìm mua lương thực, thực phẩm về lót dạ, song chỉ có vài cửa hàng mở cửa. Mì gói, bánh mì đắt như tôm tươi, giá được đẩy lên cao nhưng không còn để bán.


Trưa, bão đã đi qua, đường phố Đà Nẵng ngổn ngang cây cối, vật dụng. Các tuyến đường chìm ngập trong biển nước, nhiều nơi sâu gần 1 m. Hàng trăm hộ dân ở vùng thấp trũng của huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ phải tiếp tục gồng mình đối phó với lũ.


14 giờ, công nhân môi trường túa ra dọn dẹp đường phố. Hàng chục ngàn hộ dân di chuyển tránh bão cũng trở về nhà để chuẩn bị đối phó với cơn lũ đang lên. Bão số 9 đi qua, Đà Nẵng có 3 người chết, 1 mất tích, 10 bị thương.

H.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo