Lũ lên quá nhanh, nhấn chìm toàn bộ Quảng Trị
Ban Chỉ huy phòng chống bão lũ tỉnh Quảng Trị trưa 30-9 cho biết đợt lũ lớn trong hai ngày 29-9 và 30-9 lên quá nhanh khiến toàn bộ tỉnh Quảng Trị ngập sâu trong biển nước.
Chợ Đông Hà, Quảng Trị chìm trong lũ dữ - một hình ảnh rất hiếm gặp xưa nay (Ảnh: L.An)
Xã Triệu Thương, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ngập sâu trong nước (Ảnh: L.An)
Nhiều nơi tại thị xã Quảng Trị chìm trong nước lũ đến 3m (Ảnh: L.An)
Trạm y tế và trường tiểu học Gio Mai, Gio Linh (Quảng Trị) chìm trong nước (Ảnh: L.An)
Làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) mất hút trong dòng lũ xiết (Ảnh: L.An)
Lực lượng cứu hộ xã Gio Việt, Gio Linh (Quảng Trị) đi cứu người còn mắc kẹt giữa mênh mông lũ (Ảnh: L.An)
Phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) sáng 30-9 (Ảnh: L.An)
Quốc lộ 1A (đoạn qua phía bắc TP Đông Hà lênh láng nước (Ảnh: L.An)
Mực nước trên các sông Hiếu, sông Thạch Hãn trên báo động 3 hơn 1m, nước trên sông Đakrông chảy xiết và cao hơn lúc nào hết. Giao thông giữa miền núi và đồng bằng nhiều nơi bị cắt đứt hoàn toàn.
Thống kê sơ bộ cho thấy toàn tỉnh Quảng Trị có 5 người chết, trong đó có Thiếu tá Lê Văn Phượng (thuộc Ban chỉ huy Quân sự thị xã Quảng Trị) hy sinh vì bị lật ca nô trong lúc cứu hộ người dân trên sông Thạch Hãn sáng 30-9.
Đường Xuyên Á (đoạn qua xã Gio Quang, Gio Linh, Quảng Trị) thành chỗ trú chân cho gia súc (Ảnh: L.An)
Một người dân ở Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị) chỉ kịp lùa 2 con heo chạy lũ (Ảnh: L.An)
Ngoài ra, có 18 người bị thương, gần 46.000 ngôi nhà bị chìm trong nước từ 1-4m, nặng nhất lầ các huyện Gio Linh, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng, Đăkrông, Hướng Hóa....
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường, cho biết: “Ưu tiên hàng đầu lúc này là cứu dân. Tỉnh đang tập trung 15 tàu thuyền chuyên dụng cứu hộ và cứu trợ khẩn cấp 220.000 gói mì cho người dân trong các vùng lũ chia cắt, bao vây. Cố gắng thông các tuyến đường bị ách tắc để kịp thời cứu hộ dân mắc kẹt do lũ....”
Cứu hộ người dân ở Triệu Phong, Quảng Trị (Ảnh: L.An)
Người dân ở Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị tranh thủ đi vớt gỗ ở thượng nguồn sông Hiếu (Ảnh: L.An)
Đà Nẵng: Dốc toàn lực khắc phục hậu quả bão dữ
Sáng 30-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát thiệt hại mưa bão trên địa bàn TP Đà Nẵng, đặc biệt là các khu vực ngập lụt ở huyện Hòa Vang.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (đội nón cam) thị sát tại Đà Nẵng (Ảnh: H.Dũng)
Đà Nẵng đã bắt đầu tạnh mưa, cơ quan chức năng và người dân khẩn trương khắc phục hậu quả của siêu bão số 9. Ngành điện lực đã điều động toàn bộ lực lượng sửa mạng lưới điện nhưng do nhiều trụ điện bị ngã đổ nên đến 12 giờ cùng ngày, chỉ có vài khu vực trong trung tâm TP Đà Nẵng mới có điện trở lại.
Công ty Vệ sinh môi trường cũng huy động tất cả ô tô, công nhân vào cuộc dọn dẹp đường phố đang hết sức ngổn ngang với ước tính trên 5.000 tấn rác. Song song đó, Sở Y tế cũng cử cán bộ đến phun thuốc khử trùng ở các khu vực dân cư.
Công nhân Vệ sinh môi trường TP Đà Nẵng dọn dẹp lại đường phố (Ảnh: H.Dũng)
Trong khi đó, ngành giao thông cũng điều xe xúc, xe tải đến giải phóng đất đá sạt lở trên tuyến đường 14B để khai thông tuyến Đà Nẵng - Đông Giang (Quảng Nam). Nhưng do lượng đất đá sạt lở quá nhiều nên dự kiến 2 ngày nữa mới thông xe được.
Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tiếp tục cho học sinh nghỉ học và huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên các trường làm vệ sinh trường học để học sinh đi học lại vào sáng 1-10. Riêng học sinh ở huyện Hòa Vang tiếp tục nghỉ học cho đến khi lũ rút.
Người dân dựng lại nhà cửa (Ảnh: H.Dũng)
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó trường ban PCLB Đà Nẵng, hiện vẫn còn gần 4.000 hộ dân ở các xã Hòa Xuân, Hòa Quý, Hòa Phong, Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) chưa thể về nhà vì nước lũ đang lên.
Nước lũ dâng cao đã chia tách quốc lộ 1A gây ách tắc giao thông, hàng trăm xe tải nối đuôi nhau dài hàng km.
Túc trực tại điểm khúc đường bị ngập lũ, thượng tá Nguyễn Đến, trưởng Phòng CSGT thành phố Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi đã huy động lực lượng chia nhau túc trực tại 3 điểm chốt tại QL 14 B, cầu vượt Hòa Cầm và 2 đầu khúc bị ngập để không cho các loại phương tiện và người qua lại”.
Nhiều người dân không kịp về ứng cứu nhà cửa khi lũ về. Anh Nguyễn Văn An (37 tuổi, Điện Bàn, Quảng Nam) rầu rĩ nói: “Tôi làm công nhân ở KCN Hoà Khánh, mấy ngày bão không về được, nay nghe tin nhà bị ngập vì lũ định về giúp, không ngờ bị tắc ở đây. Tôi lo quá, không biết 2 mẹ con ở nhà có mệnh hệ gì không”.
Nhiều công nhân dù nóng ruột tình hình ở nhà nhưng cũng đành bó gối, chờ lũ rút . (Ảnh: Thi Sách)
Sau khi thị sát Đà Nẵng, trưa cùng ngày, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác của bộ đã lên 2 chiếc trực thăng đi thị sát vùng bị thiệt hại do bão lụt ở Kom Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
TP Huế: 70% diện tích bị ngập
Sáng 30-9, nhiều nơi trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chìm sâu trong nước. Riêng tại TP Huế, nước ngập hơn 70% diện tích với khoảng 44.200 căn nhà bị ngập lụt, mọi việc đi lại phải bằng ghe thuyền.
Mực nước đo được lúc 4 giờ sáng 30-9 trên các sông đều trên mức báo động 3, cụ thể: Sông Hương tại Kim Long là 4,02m; trên báo động 3 là 1,02m; sông Bồ tại Phú Ốc là 4,23m; dưới báo động 3 là 0,27m; trên sông Ô Lâu tại Phong Bình là 3,07m; trên báo động 3 là 1,07m.
Quốc lộ 1A đoạn chân cầu Phú Xuân Huế đã bị ngập sâu trong nước, người dân phải đi lại bằng ghe thuyền
Cửa Quảng Đức đi vào Đại Nội Huế bị ngập chìm do nước sông Hương dâng cao
Nước ngập các tuyến đường thành phố Huế
Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đến hết ngày 29-9, toàn tỉnh đã có gần 1.800 nhà ở, cơ quan, trường học bị sập và tốc mái; 70.037 nhà bị ngập lụt sâu từ 0,2 đến 1,5m, trong đó thành phố Huế có khoảng 44.200 nhà bị ngập lụt (khoảng 70% diện tích thành phố).
Tại huyện Phú Vang, mưa lớn đã làm ngập lụt hầu hết tuyến đường nông thôn; đặc biệt Quốc lộ 49 về các xã vùng biển như Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải… bị ngập nặng.
Đường về huyện Phú Vang cũng bị nước lũ nhấn chìm
Ở khu vực bờ biển Phú Thuận và Thuận An, sóng biển dâng cao gần 5m, gây sạt lở nghiêm trọng. Đoạn đập Hòa Duân- xã Phú Thuận (nơi từng bị cơn đại hồng thủy năm 1999 làm vỡ, chia cắt các xã vùng biển hơn cả năm trời) nay cũng bị nước biển dâng cao gây ngập đường gần 1,5m. Nước biển tràn qua phá Tam Giang, chia cắt xã Phú Thuận với Thuận An. Bờ biển xã Hải Dương- Hương Trà bị ăn sâu vào đất liền 30m dài hơn 500m.
Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 21 người chết và bị thương do mưa bão, trong đó có 5 người chết gồm: Nguyễn Quang Vinh (xã Thủy Thanh- huyện Hương Thủy), bà Kăn Vo Sinh (ở thôn A Ho- xã A Roàng- huyện A Lưới), hai học sinh là Nguyễn Thị Thiên Lý, Nguyễn Huy đều 16 tuổi (xã Lộc Hòa, Phú Lộc) và một bé gái 3 tuổi ở phường Thuận Lộc- TP Huế bị trượt chân ngã xuống nước lũ và bị nước cuốn trôi. 16 người khác bị thương do chằng chống nhà cửa trong mưa bão, là quân nhân làm nhiệm vụ giúp dân đối phó với mưa bão…
Người dân bắt đầu trèo lên nóc nhà để sửa chữa nhà cửa đã bị tốc mái
Thiệt hại chồng thiệt hại |
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Khẩn trương tiếp cứu các khu vực bị cô lập |
Báo Người Lao Động mong nhận được sự hưởng ứng và góp sức nhiệt tình của bạn đọc gần xa vì nghĩa lá lành đùm lá rách cho khúc ruột miền Trung.
Tiền ủng hộ nạn nhân cơn bão số 9, xin gửi về địa chỉ: Ban Công tác - Bạn đọc Báo Người Lao Động, số 14 Cách Mạng Tháng Tám, quận 1 - TPHCM, điện thoại số: 39305.376 – 39306.262 (máy nhánh 35).
Tài khoản giao dịch từ thiện: 102010000094045 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương VN (Vietinbank)- Chi nhánh TPHCM.
Bình luận (0)