Phần đông không đồng tình với Bộ GD-ĐT về việc thay đổi xoành xoạch cách thức tổ chức cụm thi, đề thi, cách thi… vào năm 2017 trong khi phương thức “một kỳ thi THPT quốc gia” mới tiến hành được 2 năm. Tâm lý chung là phụ huynh, học sinh ngại thay đổi một khi sự tiện lợi còn mơ hồ còn Bộ GD-ĐT vẫn quyết tâm làm mới dù chưa biết được hiệu quả sẽ ra sao.
Phản ứng cụ thể và bài bản hơn cả là Hội Toán học Việt Nam trước việc Bộ GD-ĐT quyết định cho thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Bộ GD-ĐT cho biết sở dĩ đi đến quyết định trên là dựa theo phương án đã thực hiện tại ĐHQG Hà Nội từ 3 năm qua. Nhưng Hội Toán học Việt Nam, bằng sự am tường thực tế dạy và học toán trong nước, đã thể hiện sự cẩn trọng cần thiết khi cho rằng phải chứng minh cho được ưu điểm về chuyên môn của phương thức trắc nghiệm với môn toán, nếu không thì đừng nên thay đổi đột ngột vì quyết định gấp gáp này sẽ khiến học sinh, giáo viên không theo kịp. Hội cho biết sẽ có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng bộ trưởng Bộ GD-ĐT để bày tỏ chính kiến.
Quan điểm của Hội Toán học Việt Nam được ủng hộ bởi lẽ học và giải toán là cả một quá trình tư duy logic. Mục tiêu của môn học này là rèn cho học sinh phương pháp tư duy, khả năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề một cách khoa học chứ không chỉ là tìm đáp số, không phải giải bừa kiểu hên - xui theo lối trắc nghiệm. Nói cách khác, toán chi phối nhiều môn học, có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống, cho nên nếu thi trắc nghiệm thì sẽ đi ngược với mục tiêu dạy và học toán, đi ngược mục tiêu đổi mới giáo dục.
Thực ra, 10 năm trước, Bộ GD-ĐT đã toan áp dụng thi trắc nghiệm đối với toán nhưng bị phản ứng, phải gác sang một bên. Nay bộ khởi động lại một dự tính đã cũ, nếu thành hiện thực thì một lần nữa học sinh sẽ trở thành “chuột bạch”!
Một thử nghiệm khác là VNEN (mô hình trường học mới) của Bộ GD-ĐT cũng bị phản đối tại nhiều địa phương. Mới nhất là chuyện phụ huynh một trường THCS ở TP Vinh (Nghệ An) gửi đơn kiến nghị Sở GD-ĐT tỉnh này cho dừng mô hình VNEN vì quá nhiều bất cập. Tính đến năm học 2015-2016, có 4.177 trường tiểu học ở 63 tỉnh - thành và 1.778 trường THCS ở 61 tỉnh - thành thực hiện mô hình này và hiện nay, hàng loạt địa phương đang cân nhắc dừng, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu đã dừng hẳn. Lý do chung là VNEN gây trở ngại nhiều hơn cách thức dạy và học truyền thống, đồng nghĩa rằng chỉ trong năm học qua có gần 6.000 trường học cả nước trở thành phòng thí nghiệm cho mô hình nói trên.
GD-ĐT luôn đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo. Không thể đòi hỏi mọi sự đổi mới đều đem lại thành công nhưng nhìn vào những gì cỗ máy giáo dục nước nhà đã và đang làm, thật khó mà kiên nhẫn chờ đợi thêm hay chấp nhận bất cứ thử nghiệm nào khác nữa.
Bình luận (0)