Như Báo Người Lao Động phản ánh, sáng 11-1, vì nghi ngờ T. lấy trộm tiền nên Công an xã Tịnh Bắc đã mời em (lúc đang học) về trụ sở UBND xã để tra hỏi. Hai hôm sau, T. viết thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc diệt cỏ. Gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu, chữa trị nhưng em không qua khỏi.
Liên quan đến việc mời em T. lên UBND xã, ông Nguyễn Tấn Linh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Bắc, khẳng định T. đã nhiều lần ăn trộm của gia đình hàng xóm là ông Huỳnh Văn Mác. Đồng thời, quá trình tra hỏi T. đều có sự giám hộ của bà Trương Thị Thái (mẹ T.) và ông Huỳnh Ngọc Danh (công an thôn ở xã Tịnh Bắc). Trước khi em T. qua đời, lãnh đạo UBND huyện và Công an huyện Sơn Tịnh cũng nhận định như vậy.
Chúng tôi có mặt tại nhà em T. vào trưa 17-1, bà Trương Thị Thái vẫn một mực nói không có chuyện con mình trộm cắp. Còn ông Trương Văn Bồng (chú ruột em T.) cho rằng sự thật không như lãnh đạo UBND xã Tịnh Bắc và huyện Sơn Tịnh kết luận. Cụ thể, trưa 11-1, 2 công an viên xã Tịnh Bắc đến nhà em T. lục soát. Chiều tối cùng ngày, không thấy T. về nên bà Thái lên xã tìm và được công an mời vào ký giấy bảo lãnh cho con. “Chị tôi vì ít chữ, chỉ muốn con về nhà nên ký đại chứ có biết gì về giám hộ. Ngay cả ông Danh cũng chỉ là cậu họ hàng xa đối với cháu T. nên không thể nói là người giám hộ” - ông Bồng bức xúc. Trao đổi với chúng tôi, ông Danh thừa nhận quá trình công an xã làm việc với em T., ông không có mặt.
Luật sư Nguyễn Văn Trường (Văn phòng Luật sư Trường - TP HCM) cho rằng nếu đúng như gia đình phản ánh thì việc công an tự ý vào trường dẫn giải em T. về trụ sở để tra hỏi là hoàn toàn trái pháp luật. Bởi tra hỏi học sinh phải có sự giám hộ của nhà trường, gia đình và phải được thông báo trước. Hành động khám xét nhà của 2 công an viên xã Tịnh Bắc khi chưa có lệnh cũng sai. “Tuy cái chết của T. không liên quan trực tiếp đến công an nhưng gia đình có thể khởi kiện vì bắt người không đủ tuổi đúng pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng” - luật sư Trường nói.
Bình luận (0)