Thể hiện tình cảm gắn bó giữa 2 địa phương nhân kỷ niệm 55 năm kết nghĩa, UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã xây dựng một phiên bản Chùa Cầu độc đáo để tặng nhân dân TP Thanh Hóa.
Đây là công trình được nhân dân TP Hội An xây tặng nhân dân TP Thanh Hóa nhân kỷ niệm 55 năm ngày kết nghĩa giữa hai địa phương (12-2-1960 – 12-2-2016). Công trình có chiều dài 10 m, rộng 4 m, lòng cầu 2,2 m. Cầu được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, xi măng, gạch ngói với tỷ lệ 75% so với phiên bản chính ở TP Hội An.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Hội An (người trực tiếp chỉ đạo chương trình Những ngày văn hóa Hội An tại Thanh Hóa), cho biết phiên bản Chùa Cầu do TP Hội An xây tặng cho nhân dân TP Thanh Hóa cùng với 2 trụ điêu khắc với tổng kinh phí hết 4 tỉ đồng (trong đó phiên bản Chùa Cầu xây hết 3,5 tỉ đồng).
“Công trình Chùa cầu được chính người dân TP Hội An thiết kế, phần mộc, điêu khắc được làm từ trong Quảng Nam chuyển ra, trụ móng bê tông do Thanh Hóa làm. Còn 2 trụ nghệ thuật được làm từ gốm Thanh Hà, một làng gốm nức tiếng ở xứ Quảng, mỗi bên trụ gốm được các nghệ nhân tài hoa trạm khắc những hình ảnh đặc trưng của hai vùng đất. Tất cả những món quà này người dân TP Hội An nói riêng và người dân xứ Quảng nói chúng muốn gửi gắm đến nhân dân Thanh Hóa, thể hiện tình cảm bền chặt, son sắt thủy chung giữa 2 vùng đất” - ông Lanh chia sẻ.
Lễ kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa hai địa phương diễn ra từ ngày 26 đến hết ngày 28-2 tại Công viên Hội An, TP Thanh Hóa. Tại lễ kỷ niệm, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ được diễn ra như khai trương Những ngày văn hóa TP Thanh Hóa và TP Hội An, khánh thành các công trình “phiên bản Chùa Cầu” và “Trụ biểu gốm điêu khắc”, biểu diễn đúc trống đồng của TP Thanh Hóa…
Đặc biệt, tại đây du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ngon, độc đáo là những món ẩm thực nức tiếng của hai địa phương như bánh lá, bánh cuốn, bánh xèo, bánh khoái, chả tôm, ốc, bún chả, nem chua, giò chả... của Thanh Hóa, Cao lầu, mỳ quảng, bánh đậu xanh, rượu nếp sáu lý, rượu yến, bánh bao, bánh vạc, bánh đập của xứ Quảng.
Dưới đây là một số hình ảnh về phiên bản Chùa Cầu và các hoạt động của lễ kỷ niệm được Báo Người Lao Động ghi lại:
Công trình này được xây dựng giống hệt Chùa Cầu ở TP Hội An nhưng nhỏ hơn, tỉ lệ 75%
Công trình được làm chủ yếu bằng gỗ do những nghệ nhân ở TP Hội An thực hiện để tặng nhân dân TP Thanh Hóa
Hai bên đầ cầu được đặt 4 bức tượng của 2 linh vật Tuất (chó) và Thân (khỉ)
Nhiều bạn trẻ thích thú chụp ảnh làm kỷ niệm tại công trình ý nghĩa của 2 địa phương TP Hội An - TP Thanh Hóa
Chùa Cầu phiên bản chính ở TP Hội An - Quảng Nam (còn gọi là cầu Nhật Bản) do thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng vào thế kỷ XVII - Ảnh Tr.Thường
Ngoài Chùa Cầu, TP Hội An còn xây dựng 2 trụ biểu gốm điêu khắc nghệ thuật được làm từ làng gốm Thanh Hà nổi tiếng ở TP Hội An để tặng nhân dân TP Thanh Hóa
Ngoài ra, hình ảnh Phố cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới cũng được hiện hữu đặc sắc tại Công viên Hội An, TP Thanh Hóa
Khu ẩm thực quảng bá những món ăn đặc sản, độc đáo của người dân xứ Quảng
Công viên Hội An "Tình sâu nghĩa nặng - Son sắt thủy chung" thể hiện tình cảm bền chặt giữa người dân xứ Quảng và xứ Thanh
Bình luận (0)