Một con cá vẩu 35 kg dạt vào bờ biển xã Lộc Vĩnh (Thừa Thiên - Huế) vài ngày trước - Ảnh: Quang Nhật
Chiều 28-4, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính về hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Sau khi Bộ TN-MT họp báo công bố thông tin ban đầu về nguyên nhân gây cá chết, trong đó dẫn 2 nguyên nhân đang nghi vấn là do: Chất độc thiên nhiên hoặc độc chất do con người gây ra; hoặc do hiện trượng thuỷ triểu đỏ (tảo nở hoa) gây ra.
Hội Nghề cá Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với nguyên nhân mà Bộ TN-MT đưa ra, đó là cá chết do chất độc.
Tuy nhiên, Hội Nghề cá cho rằng nên loại trừ nguyên nhân do thuỷ triều đỏ bởi “những đặc trưng của thuỷ triều đỏ không được ghi nhận trong thực tế, như: lượng tảo phát triển nhiều gây đổi màu nước biển; cá tầng mặt chết hàng loạt; xác tảo trôi dạt vào bờ từng mảng lớn gây mô nhiễm, hôi thối”.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng khẳng định đến nay không có bằng chứng nào (như động đất, sóng thần, núi lửa hoạt động) để dẫn đến nhận định đáy biển sinh ra chất độc làm chết cá ở tầng đáy. “Do vậy giả thiết chất độc do con người gây ra là tương đối có cơ sở” - văn bản trên ghi rõ.
Vì vậy Hội Nghề cá Việt Nam và bà con làm nghề cá mong sớm có câu trả lời về các vấn đề sau:
Tại vùng biển huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), nơi phát hiện cá chết đầu tiên, có bao nhiêu đường ống xả thải ra biển (bao gồm ống xả công khai và ống xả do các nhà máy tự làm để xả nước thải chưa qua xử lý?
Kết quả kiểm kê 300 tấn hoá chất được nhập về nhà máy Formosa đã sử dụng bao nhiêu, số đã sử dụng thì vào việc gì và sau khi sử dụng chúng có qua đường ống xả thải ra biển hay không?
Kết quả phân tích chất độc (hiện nay chúng ta có rất nhiều máy phân tích sắc khí lỏng hai lần khối phổ-LC/MS/MS-một lần có thể phân tích nhiều nguyên tố) của mẫu đất lấy ở cuối nguồn ống xả và kết quả phân tích chất độc của mẫu lấy từ mang và dạ dày cá chết. “Từ 2 kết quả phân tích này chúng ta sẽ có kết luận cá chết có phải do chất độc không”?
Nếu cá chết do chất độc thì chất độc ấy có phải do nguồn xả thải của các nhà máy tại huyện Kỳ Anh không?
“Nếu kết quả phân tích cho thấy cá chết không phải do độc tố, các nhà máy ở Kỳ Anh không thải ra chất độc, hoặc có thải ra chất độc nhưng không làm chết cá, thì mới truy tìm nguyên nhân theo hướng khác” - Hội Nghề cá khuyến cáo.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, nếu cá chết do chất độc, có nghĩa “toàn bộ sinh vật biển đã bị huỷ diệt, chúng ta chỉ nhìn thấy cá do chúng có cá thể lớn và nổi lên mặt nước. Việc cần làm tiếp là xác định chất độc ấy tồn dư trong đất và nước biển bao lâu - mấy ngày, mấy tháng hay mấy chục năm”.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng nhấn mạnh: Hiện nay ngư dân đánh cá ven biển không đi đánh cá. Người nuôi cá lồng trên biển không dám nuôi. Người nuôi tôm, cá nước lợ không dám sử dụng nước biển để nuôi tôm, cá. Tất cả đang chờ đợi câu trả lời từ cơ quan có trách nhiệm.
“Một hệ luỵ khác là người tiêu dùng hoang mang nên không sử dụng cá biển, và nếu câu hỏi này không sớm được trả lời thì xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, các ngành kinh tế khác như du lịch sẽ bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Việt Thắng khẳng định.
Bình luận (0)