Các bé được giải cứu khỏi cơ sở Tiên Phước 2 hạnh phúc bên “mẹ” Hồng Thị Thanh Mỹ tại Làng Thiếu niên
Tuổi thơ đọa đày
Những đứa trẻ này ngay từ khi lọt lòng đã bị cha mẹ chối bỏ. Điều khiến nhiều người phẫn nộ hơn là ngay cả nơi mang danh nghĩa cưu mang - cơ sở nuôi trẻ mồ côi Tiên Phước 2 - lại còn tệ hại hơn về mặt đạo đức. Chỉ trong vòng vài năm, “sĩ số” các em nhỏ tại đây đã giảm từ 17 xuống còn 14 bé. Ba trẻ chết vì bệnh tật, số còn lại lay lắt với đủ chứng bệnh do sống trong điều kiện vệ sinh, chăm sóc y tế và tình người đều rất kém.
Chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Vân, dù khoác trên mình áo cà sa và cạo trọc đầu, song lại nổi tiếng là người đàn bà hung tợn tại khu phố 6, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân - TPHCM - nơi đặt “chùa giả” kiêm cơ sở nuôi trẻ mồ côi trái phép Tiên Phước 2. Thông qua việc vận động ủng hộ nuôi trẻ mồ côi, thậm chí giả mạo cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam để làm thư ngỏ kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp tiền, hàng lên đến hàng tỉ đồng, bà Vân mặc sức chi tiêu. Để “lấy lòng” các nhà hảo tâm, bà chủ cơ sở luôn để trẻ trong tình trạng thiếu thốn, bệnh tật. Hệ quả là có những em nhỏ chết một cách oan uổng. Dù bà Vân đưa đi hỏa thiêu vội vàng và âm thầm nhưng hành vi độc ác này không thể che đậy. Từ tố cáo của những người thiện nguyện, Báo Người Lao Động đã vào cuộc và phơi bày những sự thật tàn nhẫn tại cơ sở này. Đúng 10 ngày sau, các cơ quan chức năng tiến hành giải cứu 13 trẻ mồ côi (một bé hiện vẫn sống với bà Vân do đã làm thủ tục nhận con nuôi) và đóng cửa cơ sở trái phép này.
Lớn lên giữa tình thương
Làng Thiếu niên Thủ Đức trong những ngày Tết Nguyên đán luôn rộn ràng những bước chân tình nguyện. Từng tốp sinh viên lau dọn, vệ sinh, làm mới ngôi làng xinh đẹp giúp trẻ mồ côi đón Tết. Nhiều đoàn người mang theo bánh kẹo, tã giấy, đồ chơi... đến thăm, tặng quà các bé. Trong khung cảnh thanh bình đó, nhóm trẻ mồ côi Tiên Phước 2 hòa chung không khí đón xuân.
Vẫn yên tâm rằng các bé được chăm sóc tốt nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ trước sự đổi thay của những đứa trẻ “Tiên Phước 2”. Không còn những gương mặt ủ rũ, mình mẩy đầy ghẻ lở và khóc nữa, thay vào đó là sự hồn nhiên, vui tươi, khỏe khoắn tràn đầy trên gương mặt các bé. Thấy chúng tôi, bảo mẫu Hồng Thị Thanh Mỹ, người trực tiếp chăm sóc nhóm trẻ “Tiên Phước 2”, vui mừng gọi: “Các con ơi, bố đến rồi!”. Từ ngày nhóm trẻ “Tiên Phước 2” được chuyển đến đây, nhân viên, cán bộ Làng Thiếu niên Thủ Đức xem chúng tôi như là cha đỡ đầu của các bé. Bế từng cháu lên tay, dễ dàng cảm nhận sự lớn khôn thể hiện rõ trên cả cân nặng và nét mặt sáng ngời của các cháu.
Hôm chúng tôi đến, cháu Nguyễn Thanh Phương và Nguyễn Thanh Hoàng (cùng đến tuổi vào mầm non) đang tíu tít theo các cô chú sinh viên cọ rửa sân gạch. Khi còn ở Tiên Phước 2, cả Hoàng và Phương đều ngỗ nghịch, hay đánh các em nhỏ tuổi hơn mình. Bây giờ thì khác rồi, cả hai rất ngoan, biết vòng tay chào người lớn và rất chăm học. Số trẻ còn lại chưa đi học, được các “mẹ” ân cần chăm sóc cả khi ăn, chơi và trong từng giấc ngủ. Khi mới rời Tiên Phước 2, những Hoa Huệ, Hoa Sen, Thanh Thọ, Thanh Phú... luôn tỏ ra sợ sệt, hễ có khách đến là ôm chặt không rời. Bây giờ, tất cả các bé đều tự tin và thoải mái, biết đón khách bằng vòng tay “ạ” và tiễn về với bàn tay nhỏ xíu vẫy “bye bye”.
Bé Tiến đoàn tụ gia đình
Bé Tiến trong một buổi tan trường Trong số 13 bé được giải cứu khỏi Tiên Phước 2, bé Đào Quốc Khánh (còn gọi là Tiến) là người hạnh phúc nhất. Sau khi về Làng Thiếu niên Thủ Đức ít lâu, Tiến được cha đón về đoàn tụ gia đình ở quận 8 - TPHCM. Hiện em sống với mẹ kế và 2 em. Hằng ngày, cha chở em đi học tại một ngôi trường ở quận 11. Buổi tối, Tiến còn được đi học ngoại ngữ và học thêm môn toán. Lớn tuổi nhất trong số trẻ mồ côi, những kỷ niệm buồn về chuỗi ngày bị bóc lột tại Tiên Phước 2 vẫn làm Tiến sợ hãi khi gợi lại. Hỏi về chuyện cũ, Tiến khẽ dùng tay lần sờ các vết thương trên đầu, vai, lưng và ngân ngấn nước mắt. |
Kỳ tới: Trở về từ “mê cung” game bạo lực
Bình luận (0)