Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam hiện còn gần 50.000 trẻ dưới 6 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh. Trong đó, 60% thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Không phải là “án tử”
Mỗi năm, tại Việt Nam có 8.000 - 10.000 trẻ vừa sinh ra đã bị bệnh tim. Trong đó, 50% bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng. Với trình độ tiên tiến của y học hiện đại, khả năng chữa khỏi căn bệnh này là hoàn toàn có thể. Theo PGS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội, trung bình 0,8% số trẻ sinh ra còn sống sẽ mắc căn bệnh này.
Do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan nên nhiều bậc cha mẹ chưa thể nhận biết kịp thời bệnh tim ở trẻ, phát hiện muộn, gây khó khăn trong quá trình chữa trị. Đối với trẻ mắc bệnh, chẩn đoán trước khi sinh có thể cho phép lập chiến lược chuyển dạ tốt hơn, có sự chuẩn bị về điều kiện can thiệp hay phẫu thuật ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, bệnh tim bẩm sinh lại là dị tật thường bị bỏ sót nhất trong siêu âm sàng lọc trước khi sinh do tính đặc thù chuyên khoa.
GS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E, cho biết tim là bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể. Sẽ là thiệt thòi lớn lao cho bất kỳ ai sinh ra mà trái tim không hoàn hảo và họ sẽ mất tương lai nếu không được chữa trị kịp thời.
“Dù là bệnh nguy hiểm song trẻ mắc bệnh lý tim bẩm sinh hoàn toàn có cơ hội phát triển như trẻ bình thường nếu được phẫu thuật kịp thời và điều trị đúng cách. Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng bệnh tim là bệnh nan y, khó có thể chữa khỏi hoặc nếu ai chẳng may mắc bệnh tim nói chung thì đồng nghĩa với việc người đó đã mang “án tử”. Đó đều là những quan niệm sai lầm vì bệnh tim bây giờ hầu hết đều chữa khỏi”- GS Thành nhấn mạnh.
Tại Trung tâm Tim mạch - BV Nhi trung ương, Khoa Khám bệnh mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt người tới khám do các bệnh về tim mạch. Tại đây, chị Trần Thị Lý (ngụ tỉnh Hòa Bình) bế con trai 6 tháng tuổi chờ các bác sĩ thăm khám. Chị Lý cho biết lúc con 1 tháng tuổi đã phát hiện bị thông liên thất. Các bác sĩ khuyên nên theo dõi thêm vì lỗ thông nhỏ có thể tự hồi phục. Vì thế, cứ đến hẹn là vợ chồng chị lại đưa con đi khám.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Khoa khám bệnh, tim bẩm sinh là dị tật hay gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các dị tật bẩm sinh. Trẻ bị tim bẩm sinh có thể không có triệu chứng lâm sàng. Trẻ được phát hiện bệnh khi thầy thuốc khám và nghe một tiếng thổi bất thường tại tim. Trẻ bị dị tật tim bẩm sinh có thể có triệu chứng của suy tim sung huyết. Những bệnh nhi với chẩn đoán tim bẩm sinh khi đưa đến cơ sở y tế có thể sẽ có các biểu hiện tím tái, tim đập nhanh, khó thở và đặc biệt khó thở khi gắng sức. Trẻ sơ sinh có biểu hiện bú kém, chậm tăng cân, bị phù ở chân, bụng hoặc quanh hốc mắt. Nguyên nhân do quả tim không có khả năng bơm máu đầy đủ cho phổi hoặc các cơ quan khác, gây ứ dịch ở tim, phổi hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Số bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch ngày càng nhiều nhưng do thiếu cơ sở vật chất và con người nên Trung tâm Tim mạch - BV Nhi trung ương mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế.
Phẫu thuật càng sớm càng tốt
Nhắc lại ca bệnh mà kíp phẫu thuật của BV Nhi trung ương đã trải qua những giờ phút nghẹt thở để cứu bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết đó là bé Vũ Chính Dương (ở Hải Phòng).
Lúc mổ, bé Dương mới 26 ngày tuổi, nặng 3 kg. Khi chào đời, bé đã bị suy hô hấp và được chuyển từ BV Phụ sản Hải Phòng sang BV Nhi Hải Phòng. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tim bẩm sinh, phải thở ô xy liên tục và có thể đột tử bất cứ lúc nào.
Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh không cải thiện nên bé Dương được chuyển đến Khoa Sơ sinh BV Nhi trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tim kết hợp, không những bị thông sàn nhĩ thất toàn bộ (một loại tim bẩm sinh phức tạp) có tăng áp động mạch phổi nặng mà còn bị hội chứng Wolff-Parkinson-White (hội chứng rối loạn nhịp nhanh do tồn tại đường dẫn truyền xung điện bất thường bẩm sinh trong tim), có cơn nhịp nhanh nguy kịch.
Trong thời gian nằm tại Khoa Sơ sinh, bé Dương đã nhiều lần lên cơn nhịp nhanh (250 lần/phút), kháng các thuốc điều trị loạn nhịp thông thường. Trong cơn nhịp nhanh, bé suy thở và suy giảm huyết động nặng, phải cấp cứu cắt cơn nhịp nhanh nhiều lần.
“Đó là một ca bệnh hiếm gặp và rất nguy kịch. Cháu bé có thể tử vong do suy tim nếu cơn nhịp nhanh không được kiểm soát hoặc có thể đột tử bất cứ lúc nào nếu xuất hiện loại loạn nhịp nguy hiểm. Thời điểm phẫu thuật cho bé Dương, thuốc điều trị không còn tác dụng. Lúc đó, phương pháp đốt điện điều trị can thiệp rối loạn nhịp tim nhanh rất hiếm được chỉ định ở trẻ nhỏ vì nguy cơ tai biến và tử vong cao. Song, chúng tôi vẫn quyết định áp dụng phương pháp này để tìm hy vọng cứu cháu bé” - bác sĩ Hải nhớ lại.
Sau 90 phút căng thẳng, ca can thiệp thành công, nhịp tim của bé Dương trở về bình thường. Cả ê-kíp lúc này mới thở phào nhẹ nhõm. Đây là lần đầu tại Việt Nam, kỹ thuật này được thực hiện trên bệnh nhân nhỏ tuổi như vậy, cũng là trường hợp rất hiếm trên thế giới được báo cáo.
Phần lớn do môi trường sống
Bệnh tim bẩm sinh có nguyên nhân 10% do yếu tố gien, rối loạn nhiễm sắc thể số 21; 90% còn lại là do môi trường sống gây nên.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu sản phụ dùng một số loại thuốc được cho là độc với thai như thuốc động kinh, đái tháo đường, Lupus ban đỏ thì có thể gây bệnh tim bẩm sinh cho thai nhi rất cao.
Hai dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần được điều trị sớm là trẻ bị viêm phổi nhiều lần, còi cọc; có dấu hiệu tím tái khi khóc và khi bú. Tùy từng thể bệnh, 1/2 số trẻ này cần phải mổ trong năm đầu đời thì hy vọng sống sẽ cao. Số còn lại cần được phẫu thuật trước khi đến tuổi đi học.
Kỳ tới: Những ca mổ tim đặc biệt
Bình luận (0)