Một cảm xúc hạnh phúc khó tả khi đi đò trên sông Hậu ngước nhìn lên cầu Cần Thơ thấy công nhân hối hả chuẩn bị cho việc lắp nhịp dầm cuối cùng (ảnh chụp chiều 2-10) - Ảnh: T.T.D.
Từ bờ Vĩnh Long, chúng tôi đi xe gắn máy lên cầu vượt rồi bon bon trên đường dẫn vào cầu. Con đường rộng 24,1m, dài 5,4km đã được thảm nhựa bêtông gần phân nửa. Đoạn còn lại đang tiếp tục trải đá, xe lu và xe ủi ầm ào hết sức khẩn trương. Kỹ sư Nguyễn Văn Tâm, đội trưởng đội thi công thảm nhựa (Công ty Xây dựng công trình giao thông 674), cho biết toàn công ty đang tập trung hoàn thành thảm nhựa bêtông vào cuối tháng 10, nghiệm thu bàn giao vào đầu tháng 11.
Ở đường dẫn bờ Vĩnh Long có bốn cầu bắc qua sông nhỏ là cầu Trà Và Lớn, Trà Và Nhỏ, cầu vượt nút giao thông quốc lộ 54 và cầu Trà Ôn. Hầu hết các cầu đều đã bắc xong, một số cầu thảm nhựa bêtông mặt cầu, công nhân đang tiếp tục lắp đặt dải phân cách, lan can hai bên cầu.
Thêm đường mới
Chạy xe cạnh chúng tôi là cô gái Lê Thị Thanh Tiền, nhà ở xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), gần chân cầu Cần Thơ. Tiền nói từ khi có đường dẫn vào cầu Cần Thơ, cô đi làm từ nhà ra trung tâm huyện Bình Minh chỉ mất 15 phút, so với trước đây đi theo tuyến quốc lộ 54 phải mất gấp ba thời gian.
"Mới đó mà đã hai năm lẻ mấy ngày rồi. Nghe nói cây cầu giờ sắp đi được, cũng mừng. Ở đây bao đời cách trở, giờ chỉ cần đi một đường là tới nơi." |
Anh nói thêm: “Tuyến đường dẫn này không chỉ là mối nối vào cầu Cần Thơ mà còn là nút giao thông quan trọng nối liền các xã vùng sâu các huyện Bình Minh, Bình Tân, Trà Ôn với đô thị Vĩnh Long, Cần Thơ”. Ngoài việc có đường dẫn vào cầu, Vĩnh Long còn được “hưởng xái” là có thêm đường liên huyện Trà Ôn - Bình Minh cặp mé sông Hậu. Đường này đang được thi công nối liền cảng Bình Minh và khu đô thị cặp sông Hậu, rồi hòa vào quốc lộ 54, sau đó đi liền một mạch từ Đồng Tháp qua Vĩnh Long, nối Trà Vinh tới tận mép biển Đông.
Đặt chân lên cầu
Qua khỏi cầu Trà Ôn, chúng tôi tiếp tục chạy xe vào nhịp chính cầu Cần Thơ mà không gặp một trở ngại nào. Sở dĩ nói “trở ngại” là vì chỉ cách đây một tháng, ngay các nhà báo muốn vào khu vực này đều không được bảo vệ cho vào. Có lẽ nhà thầu còn ám ảnh vụ sập nhịp dẫn cầu nên quy định hết sức khắt khe. Giờ đây, đứng trên vị trí đau thương này là một khoảng trời lộng gió. Trước mắt chúng tôi là các nhịp cầu vững chắc nối liền nhau, trụ cầu từ thấp tới cao vươn ra ngoài sông và nối vào trụ chính hình chữ A sừng sững giữa trời.
Được phép của anh bảo vệ, tôi lách người qua tấm rào chắn bước vào trong cầu chính. Từ đây có thể nhìn rõ hành lang cầu đã được dựng xong, dải phân cách ở giữa cũng đã hoàn thành. Mặt cầu được đổ bêtông, chỉ còn chờ thảm nhựa. Trên cầu chỉ có vài chiếc xe chuyên dụng đi lại, chủ yếu là phát điện cho các máy hàn nối thép. Ở đoạn giữa sông, nơi sắp nối dầm thép cuối cùng, khoảng cách hai mí cầu chỉ còn tính từng mét.
Ở bờ Cần Thơ, nhìn từ sông lên, vòm cầu cong cong hình bán nguyệt trông như tranh vẽ. Cầu uốn khúc vươn ra sông lớn, nối vào trụ chữ A, trông giống như con rồng bay vào cổng trời. Nhìn toàn thể cầu Cần Thơ, có cảm giác như dòng sông Hậu đang thu nhỏ lại, bờ sông không còn ngăn cách, Vĩnh Long - Cần Thơ như hòa quyện làm một.
Cần Thơ đón cầu
Chỉ còn vài mét nữa là cầu Cần Thơ liền một dải - Ảnh: T.T.Dũng
Từ nhịp chính bờ Cần Thơ về hướng lộ Quang Trung (quận Cái Răng), trên đoạn dài 2km, hàng chục xe ủi, xe lu đang thi công khẩn trương. Đoạn từ chân cầu tới trạm thu phí đã thảm nhựa bêtông hoàn chỉnh. Cầu Cái Tắc 1 và 2 cũng nối liền con rạch nhỏ. Kỹ sư Dương Tấn Triển, đội phó đội thi công (Công ty cổ phần Xây dựng công trình 675), cho biết đơn vị đang tập trung máy móc hoàn thành phần cán đá dăm nền đường. Khoảng hai tuần sau bắt đầu thảm nhựa và đến cuối tháng 11 sẽ bàn giao.
Dù vậy, trên tuyến đường dẫn 5,69km còn lại qua quận Cái Răng, mặt đường nhiều nơi vẫn còn nham nhở. Nơi có tiến độ tốt nhất là đoạn từ cầu Cái Máng đến cầu Cái Nai mới được trải đá dăm. Những đoạn còn lại chỉ ở công đoạn san lấp cát nền. Các cầu Cái Da, Cái Máng, Cái Nai tuy gác dầm xong, mặt cầu đổ bêtông nhưng các nhịp nối vẫn đang làm cốt thép.
Dưới chân cầu bờ Cần Thơ, các khu đô thị mới Hưng Phú, Nam Long, 586... đang chuyển động đón cầu khánh thành. Con đường nối cảng Cái Cui được mở rộng để thông đường, chi nhánh sửa chữa ôtô Toyota Cần Thơ vừa khai trương hoạt động tại khu dân cư 586. Giá đất rục rịch tăng nhẹ. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một cư dân phường Hưng Phú, cho biết người dân nơi đây trông đợi cầu Cần Thơ từ lâu lắm rồi, nay đã sắp thành hiện thực.
Anh Tuấn bộc bạch: “Có cầu, giao thương rộng mở, các nhà đầu tư đổ về làm ăn, người dân trong vùng có cơ hội tìm kiếm việc làm, hi vọng cuộc sống rồi đây sẽ khá hơn”. Còn bác Bảy Phú, một lão nông 82 tuổi ở phường Phú Thứ, thì ngày ngày cứ bảo đứa cháu nội dẫn ra mé sông ngắm nhìn chiếc cầu hùng vĩ đang hình thành. Ông nói: “Tui chờ thấy mặt cây cầu xong rồi có nhắm mắt cũng yên lòng”.
Hôm nay lắp dầm cuối cùng CẦN THƠ - Chiều 2-10, tại công trình xây dựng cầu Cần Thơ, tất cả công nhân, kỹ sư Nhật Bản và VN vẫn đang hối hả chuẩn bị cho công việc nâng dầm thép cuối cùng để nối liền cầu Cần Thơ vào sáng nay 3-10. QUANG VINH - NGỌC ẨN |
_____________
“Tui muốn một lần lên đó...”
Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) là vùng trồng bưởi năm roi chuyên canh nổi tiếng. Tháng 10 đang mùa bưởi chín, khắp nơi bưởi trĩu cành. Nhưng với bà Lưu Thị Xuyến, mùa bưởi lại là mùa gợi buồn.
Những cây bưởi trong vườn do chồng bà trồng - ông Nguyễn Văn Bé, nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ - đã thu hoạch được hai năm. Mùa bưởi về, cả nhà lại cùng hái bưởi, chọn quả to nhất để lên bàn thờ ông Bé. Bà nói: “Tui già rồi, còn làm gì được nữa. Ngoài tiền lãi từ số tiền gửi tiết kiệm, bà cháu cũng chỉ biết dựa vào vườn bưởi này thôi. Mà năm nay mất giá quá”.
Nói rồi bà trầm tư: “Mới đó mà đã hai năm lẻ mấy ngày rồi. Nghe nói cây cầu giờ sắp đi được, cũng mừng. Ở đây bao đời cách trở, muốn qua Cần Thơ phải đi mấy bận qua đò, qua phà, giờ chỉ cần đi một đường là tới nơi. Tui cũng chỉ mong một lần được đi qua cây cầu để biết cảm giác khi chồng tui đứng trên độ cao ấy”.
Anh Nguyễn Văn Tiễn - một nạn nhân may mắn sống sót sau vụ sập nhịp dẫn cầu - cho biết sau khi tai nạn xảy ra, phía Nhật đã tài trợ để trải bêtông các đường chính trong xã nên việc đi lại thuận tiện hơn nhiều.
Anh Tiễn nói vết thương trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vẫn chưa lành hẳn, trở trời toàn thân lại nhức ê ẩm. Giờ hai vợ chồng chỉ biết chăm vườn bưởi để mưu sinh. “Sau tai nạn, nhờ sự giúp đỡ của bà con khắp nơi nên cũng cất được cái nhà đàng hoàng. Phần tiền hỗ trợ gửi tiết kiệm mỗi tháng lãi suất hơn 1 triệu, cộng với vườn bưởi cũng đủ cơm cháo qua ngày. Nghe nói cầu sắp hoàn thành, tui cũng mừng, muốn đi lên đó để xem hình hài nó thế nào” - anh Tiễn tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Loan - vợ nạn nhân Trương Văn Chọt đã tử nạn - bùi ngùi: “Mỗi lần đi ngang cây cầu, tui đều đứng lại nhìn một lúc rồi mới đi. Lúc ảnh còn làm ở đây, khi thấy tui đi ngang qua, ảnh ngoái đầu cười một cái rồi mới làm tiếp. Giờ thì cầu đã gần xong rồi. Không chỉ tui mà người dân ở đây ai cũng mong sớm được đi trên cây cầu này”.
Sau khi anh Chọt mất, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chị đã mua tôn lợp lại mái nhà. Chị tâm sự: “Giờ các con thôi không đòi ba như lúc mới ảnh mới mất, nhưng nhà thiếu người đàn ông nên trống trải lắm. Cuộc sống mấy mẹ con giờ cũng ổn định, tui ráng lo cho các con ăn học đàng hoàng để sau này không phải khổ”.
Bình luận (0)