Một tuần nay, hơn 3.000 hộ dân với khoảng 10.000 người sống ở khu vực bờ Nam sông Krông Pắk thuộc xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk - Đắk Lắk bị cô lập hoàn toàn vì mưa lũ.
Bên kia bờ sông là xã Vụ Bổn, nơi đang có hơn 3.000 hộ dân bị cô lập bởi mưa lũ
“Xã đảo” giữa Tây Nguyên
Cây cầu tạm qua sông Krông Pắk, phương tiện duy nhất để giao lưu với bên ngoài, mùa nắng còn đi lại được nhưng gặp mưa lũ lớn như hiện nay, mọi hoạt động giao thông, trao đổi hàng hóa gần như đình trệ. Nằm lọt thỏm giữa hai dòng sông nhưng không có cây cầu nào bắc qua nên một tuần nay, người dân trong vùng phải sống trong cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Các trường học đóng cửa vì không có học sinh tới lớp, người dân thiếu thốn lương thực, thực phẩm. Hiện nay, xã Vụ Bổn giống như một hòn đảo, nước ngập bốn bề.
Ông Nguyễn Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, cho biết nước đã dâng trên cầu tạm cả chục mét. Nếu trời không mưa nữa thì cũng phải mất cả tháng sau người dân mới có thể đi lại bình thường. “Lúc cầu này mới ngập, xã đã huy động thuyền bè để người dân qua lại nhưng 5 ngày nay, chúng tôi cấm các phương tiện qua lại vì nước sông chảy rất xiết” – ông Anh nói.
Chuyện Vụ Bổn bị cô lập đã diễn ra từ lâu, hầu như ở mỗi đợt mưa lũ lớn hằng năm. Không cầm lòng trước tình cảnh này, năm 2006, ông Ngọ Văn Phúc, thôn trưởng thôn 15, cùng 3 người dân đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay 40 triệu đồng làm cầu phao cho dân đi tạm rồi thu phí qua cầu để trả nợ. Thế nhưng, vì kinh phí ít nên cầu phao được xây dựng tạm bợ, nhỏ hẹp dẫn đến việc đi lại rất nguy hiểm.
Chờ đến bao giờ?
Năm 2003, Bộ NN-PTNT giao Nông trường 718 (thuộc Tổng Công ty Cà phê VN, đóng trên địa bàn xã Vụ Bổn) xây dựng cầu Nước Trong bắc qua sông Krông Pắk với kinh phí ban đầu khoảng 10 tỉ đồng. Nhân dân xã Vụ Bổn vui mừng khôn xiết nhưng đến năm 2005, sau khi thi công xong 5 trụ, cầu bị ngưng thi công. Ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên giám đốc Nông trường 718, cho biết: “Bộ NN-PTNT chi có 2 tỉ đồng, chỉ đủ để làm các trụ cầu nên chúng tôi không thể thi công tiếp”.
Tháng 3-2006, Nông trường 718 bị giải thể. Từ đó, việc thi công cầu Nước Trong bị bỏ ngỏ, chưa biết khi nào mới được tiếp tục. Do chưa hoàn thiện, lại không có ai bảo quản nên những mố cầu đang bị hư hỏng nặng. Tháng 7-2009, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi Tổng Công ty Cà phê VN yêu cầu gấp rút thi công và hoàn thành cầu Nước Trong sớm, nếu không thì bàn giao lại để tỉnh lập phương án hoàn thành công trình. Thế nhưng đến nay, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ.
Bình luận (0)