Đến 16 giờ ngày 4-11, lũ lụt đã làm 18 người chết (Bình Định 3, Đắk Lắk 1, Khánh Hòa 7, Phú Yên 4, Ninh Thuận 3). Số người mất tích 5 (Bình Định 1, Ninh Thuận 1, Khánh Hòa 2, Phú Yên 1).
Trong 697 nhà bị sập đổ, Phú Yên 3, Khánh Hòa 161, Ninh Thuận 533; nhà bị ngập 18.820 nhà (Đắk Lắk 33, Phú Yên 2.088, Khánh Hòa 10.601, Ninh Thuận 5.658, Bình Thuận 440).
29 tàu bị chìm
TTXVN dẫn nguồn tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đến chiều 4-11, đã 29 tàu bị chìm; 8 tàu, thuyền bị hỏng máy, trôi dạt.
Chiều 4-11, tại khu vực bãi ngang An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, còn 14 thuyền máy của ngư dân xã Tịnh Kỳ không chấp hành vào bên trong của biển để tránh gió.
Trong khi đó, vào khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, người dân phát hiện tại bến cá Bến Đình, xã An Vĩnh có 2 chiếc tàu đánh cá không rõ của địa phương nào đã bất chấp sóng to gió lớn, vận chuyển lương thực, thực phẩm ra đảo Lý Sơn, sau đó vận chuyển hành, tỏi vào đất liền để tiêu thụ.
Thời tiết diễn biến rất xấu
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 4-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12 đến 13 độ vĩ Bắc; 109,9 đến 110,9 độ kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên – Ninh Thuận 110 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo đến 16 giờ ngày 5-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,3 đến 13,3 độ vĩ Bắc; 109,4 đến 110,4 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên – Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Bà Nguyễn Thị An Nhiên bên căn nhà bị núi lở vùi lấp. Ảnh: Quý Lâm
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió Đông Bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9-10 và có mưa dông mạnh. Biển động rất mạnh.
Ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to; Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Lở núi Nhạn làm sập 3 nhà dân
Khoảng 12 giờ ngày 4-11, một khối đất đá lớn nằm ở góc phía Tây núi Nhạn bị sạt lở, đổ ập và làm sập 3 nhà dân dưới chân núi, thuộc đường Lê Trung Kiên, khu phố 1, phường 1, TP Tuy Hòa, Phú Yên.
Theo Báo Phú Yên, 3 gia đình bị nạn là nhà bà Lê Thị Lạc, bà Nguyễn Thị An Nhiên và bà Nguyễn Thị Học. Trong đó, nhà bà Nhiên và bà Học bị sập gần như hoàn toàn, tài sản trong nhà bị hư hại nặng.
Khi núi lở, trong 3 nhà bị nạn có 11 người nhưng rất may không ai bị thương. Bà Lê Thị Lạc chưa hết bàng hoàng kể lại: “Gia đình đang ăn trưa, tôi có cảm giác như núi chuyển mình và chỉ vài giây sau đó, đất đá từ trên cao ập xuống đè sập nhà sau và một phần nhà trước của tôi. Lúc đó, mọi người chỉ kịp chạy bổ ra ngoài thoát thân”.
Bà Trương Thị Ngọc Kiên ở đối diện khu vực núi sạt cho biết: “Đang ở trong nhà, bỗng dưng nghe tiếng gầm như tiếng sấm và tiếng người kêu la, tôi chạy ra ngoài thì mọi chuyện đã rồi, thật khủng khiếp”.
Đến chiều cùng ngày, vẫn còn khoảng 10 hộ dân đang sinh sống tại khu vực nguy hiểm này chưa được di dời.
Chủ tịch nước thăm người dân vùng lũ Phú Yên
Chia sẻ sự mất mát của người dân vùng lũ tỉnh Phú Yên, sáng 4-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác đã về thăm đồng bào vùng lũ huyện Đông Hòa.
Theo TTXVN, tại huyện Đông Hòa, Chủ tịch nước cùng đoàn đã đến thắp hương viếng và tặng quà gia đình bà Phan Thị Dung (thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam) có chồng là ông Phạm Đình Cư bị nước lũ cuốn trôi vào ngày 30-10 trong khi đi chăn trâu; tặng quà bà Huỳnh Thị Màn, 99 tuổi, là mẹ liệt sĩ Nguyễn Đình Phú ở xã Hòa Vinh.
Làm việc với Đảng bộ, chính quyền hai xã Hòa Vinh và Hòa Xuân Nam, Chủ tịch nước căn dặn lãnh đạo địa phương không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là tấm lòng của từng cán bộ đối với đồng bào, nhất là trong tình hình thiên tai hiện nay có những diễn biến khó lường; không được để một người dân nào bị đói, rét. |
Vụ hàng cứu trợ bị biến thành... giẻ lau
Hội Chữ thập đỏ VN rút kinh nghiệm
Liên quan đến thông tin Hội Chữ thập đỏ Nghệ An biến quần áo cứu trợ thành giẻ lau, chiều 4-11, ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN, cho biết: “Qua sự việc đáng tiếc xảy ra ở Nghệ An, thay mặt Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN, tôi gửi lời xin lỗi đến đồng bào các tỉnh, thành đã và đang phải gánh chịu thiệt hại vì thiên tai. Mong bà con hãy độ lượng, công bằng với các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ VN. Mặt nào tốt chúng tôi sẽ phát huy, việc làm nào chưa tốt chúng tôi sẽ tiếp thu và sửa chữa”.
Cùng ngày, Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN đã cử cán bộ vào Nghệ An để kiểm tra, xem xét lại sự việc, đồng thời căn cứ vào mức độ vi phạm của từng cá nhân cụ thể để xử lý.
N.Dung |
Bình luận (0)