Độc giả có thể xem lại những ấn bản đặc biệt của những sách xuất bản hồi đầu thập niên 1940, như bản in trên giấy dó lụa tác phẩm “Việt Nam cổ văn học sử” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi (1941), bản in trên giấy dó tác phẩm “Đại Việt sử ký toàn thư” của Nhượng Tống (1945), hay bản thượng hạng in trên giấy láng, mịn tác phẩm “Quê ngoại” của Hồ Dzếnh (1943)… Bạn đọc cũng có dịp thưởng lãm các ấn bản đặc biệt quý hiếm của sách xuất bản tại Sài Gòn thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970, như: “Thi tuyển” (Vũ Hoàng Chương, 1963, có chữ ký tác giả), “Vang bóng một thời” (in 1962, bản được triển lãm lần này của chính tác giả Nguyễn Tuân), hay “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” (1965, có chữ ký và bút tích của Phạm Công Thiện)…
Các ấn bản đặc biệt được sinh ra trong đời sống xuất bản miền Bắc trước năm 1975, thời bao cấp khó khăn cũng sẽ được đặt bên cạnh những tác phẩm được các nhà làm sách hiện nay như: Phương Nam, Nhã Nam, Tao Đàn, Dtbooks, Đông A… thực hiện.
Giới sưu tập sẽ có dịp ngồi lại trao đổi, độc giả mê sách sẽ tìm thấy nhiều điều lý thú đằng sau số phận của những ấn bản đặc biệt là thời đại, đời sống lịch sử xuất bản và xa hơn là lịch sử văn hóa từng thời kỳ.
Vài năm trở lại đây, sự trở lại của dạng ấn bản đặc biệt hướng tới đối tượng sưu tập được các công ty sách, nhà xuất bản quan tâm. Sự công phu, chỉn chu, đầu tư mạnh vào các phiên bản bìa cứng được đánh số với chất liệu in ấn tốt đang tạo ra nguồn cảm hứng mới cho giới chơi sách, đọc sách. Quan trọng là hiện tượng trên đã làm sống lại một thú chơi không kém công phu mà từ lâu vì điều kiện đời sống, lịch sử và hoàn cảnh thị trường đã ít nhiều mai một.
Sự phục hồi một thú chơi, khơi dòng một phân khúc thị trường đặc biệt trong đời sống xuất bản cùng với sự trở lại của dòng sách cũ, đặc biệt là dòng sách được ấn hành tại đô thị miền Nam trước năm 1975, đang là những tín hiệu cởi mở. Sự hàn gắn, liền mạch về tri thức được xem là nền tảng quan trọng nhất để chữa lành những thương tổn không đáng có, để việc nhận diện lịch sử khách quan hơn, nhất là để nguồn di sản tri thức được giàu có hơn, làm nền tảng cho phát triển.
Câu chuyện từ những ấn bản sách đặc biệt đã trôi nổi qua thời gian cũng nói với chúng ta rằng những giá trị đích thực, cái đẹp khát vọng hoàn thiện hay chân giá trị sẽ có sức sống qua thời gian. Đây cũng là thông điệp gửi đến chính những nhà kinh doanh xuất bản hôm nay: hãy tạo ra các giá trị bền vững và hữu ích cho cộng đồng.
Ngắm sách quý ngày xưa cũng là một dịp để ngẫm ngợi về sự tiến hóa của đời sống xuất bản; để người làm sách, yêu sách tự vấn nhiều hơn về trách nhiệm của mình. Thú chơi sách không đơn thuần chỉ để mà chơi, là vậy!
Bình luận (0)