xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồn treo cột buồm

TỬ TRỰC - HỒNG ÁNH

Bao nhiêu ngày người đàn ông ra khơi là bấy nhiêu ngày người phụ nữ ở nhà thức trắng. Để rồi khi người đi mãi chẳng thấy về thì sự chờ đợi dường như vô tận

Sáng 4-12, chúng tôi trở lại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhưng vẫn chưa có tin tức gì về 14 ngư dân mất tích trên chiếc tàu QNg 90789 TS của ông Trần Tiến Dũng. Con đường dẫn vào các thôn Châu Thuận Nông, Phú Quý và Châu Thuận Biển phủ màu khăn tang.

Lập bàn thờ đợi người thân

Nằm sâu trong một xóm nghèo là căn nhà vắng lặng của ông Dũng. Bên một góc nhà, bàn thờ với 3 di ảnh được xếp liền nhau, khói hương nghi ngút. Cạnh đó, bà Lê Thị Mai (vợ ông Dũng) nằm như chết lặng, cứ nhìn đăm đăm ra cửa.
 
Ngồi sát bên mẹ, em Trần Văn Tần (11 tuổi) nghẹn giọng: “Từ khi ba và 2 anh mất tích, ngày nào mẹ cũng khóc. Sợ mẹ không còn sức để nuôi anh em cháu nữa”. Tần cho biết từ khi tai nạn xảy đến với gia đình, người anh kế của em là Trần Văn Trung (18 tuổi) phải vào Lâm Đồng hái cà phê kiếm tiền.
 
img
Gần 2 tháng qua, bà Nguyễn Thị Chiêm chờ tin con trong tuyệt vọng Ảnh: TỬ TRỰC
img
Chiều nào, bà Phạm Thị Trúc cũng ra bãi biển ngóng chồng con Ảnh HỒNG ÁNH

Cố gượng dậy, bà Mai đưa tay lau nước mắt kể: “Vì gia cảnh nghèo, hằng ngày ông Dũng đi đánh bắt gần bờ, lam lũ suốt như vậy hơn 30 năm qua. Đến tháng 4 vừa rồi, thấy các con đã lớn, hai vợ chồng quyết định vay ngân hàng, bà con cộng với tiền tích góp bao lâu để đóng chiếc tàu 655CV trị giá 2,5 tỉ đồng. Hơn 4 tháng sau, tàu đóng xong, cả nhà ai cũng mừng và hy vọng cuộc sống từ đây sẽ đỡ vất vả”.

Ngày 5-9, 3 cha con ông Dũng cùng 11 ngư dân khác nhổ neo hướng ra Trường Sa. Sau hơn 1 tháng, sáng 13-10, ông Dũng gọi điện báo tàu cá đã đầy, đang trên đường chạy về tránh bão số 11. Nhưng cuộc điện thoại bỗng ngắt nửa chừng... Kể từ lần đó, mọi tin tức về con tàu mất hút… Tuyệt vọng, ngày 19-11 vừa qua, bà Mai không biết làm gì hơn là lập bàn thờ cho 3 cha con. Cố gượng dậy đốt nén hương, bà Mai lẩm bẩm: “Về với mẹ, biển lạnh lắm con ơi!”.

Nghe bước chân, tưởng con về

Cách nhà ông Dũng không xa là nhà của anh Võ Văn Sơn, một trong số 14 ngư dân mất tích trong chuyến biển định mệnh. Lúc chúng tôi đến, trong nhà chỉ có bà Nguyễn Thị Chiêm (85 tuổi, mẹ anh Sơn) đang nằm trên giường. Nghe tiếng động, bà Chiêm vội cầm gậy chống dậy. Biết có khách, bà như chực khuỵu xuống: “Nghe bước chân của mấy cháu, tưởng thằng Sơn về”.

Ông Trần Văn Mẫn, hàng xóm, cho biết từ khi hay tin anh Sơn mất tích, ngày nào bà Chiêm cũng chống gậy ra trước cửa đợi con. Chúng tôi đang nói chuyện thì chị Bùi Thị Vĩnh (37 tuổi, vợ anh Sơn) quảy gánh củ mì vừa nhổ ngoài đồng mang về. Chị kể từ trước tới giờ, anh Sơn chỉ đi đánh bắt ven bờ. Sau đó, ông Dũng qua nhờ đi bạn, vì cần tiền trả nợ nên anh Sơn đồng ý. “Không ngờ đó cũng là lần cuối…” - chị Vĩnh khóc nghẹn.

Vợ chồng anh Sơn có 3 con, đứa lớn nhất 17 tuổi, phải đi làm phụ mẹ. “Tội nghiệp con bé út, mới học lớp 5, hằng đêm cứ hỏi cha khi nào về” - bà Chiêm kể. Chúng tôi hỏi vì sao chưa lập bàn thờ cho anh Sơn, chị Vĩnh thẫn thờ: “Chồng tôi không có hình, chắc phải lấy từ chứng minh nhân dân phóng ra mới lập được bàn thờ”.

Trắng đêm trông ngóng

Chiều nào bà Phạm Thị Trúc (45 tuổi, ngụ xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cũng ngồi ở bãi An Vũ trông ra biển. Bà trông 2 đứa con trai đang mành tôm, câu mực ngoài khơi và cả người chồng đi biền biệt 9 tháng qua, dù ở nhà đã lập bàn thờ.

Chồng bà, ông Nguyễn Hoài Châu (49 tuổi), mất tích khi làm thuyền viên trên tàu câu cá ngừ đại dương ở TP Tuy Hòa vào đầu tháng 3. Mất trụ cột gia đình, 2 đứa con bà Trúc đều bỏ học và lại nối nghiệp cha. “Để 2 con đi biển, tôi chẳng muốn chút nào nhưng không làm thì lấy gì sống. Đêm nào tôi cũng gọi điện thoại cho con, không liên lạc được thì coi như thức trắng” - bà Trúc tâm sự.

Cũng tại làng An Vũ, 3 tháng trước, người dân ai cũng xót lòng khi thấy chị Nguyễn Thị Thanh Phấn (38 tuổi) như người mất hồn, cứ chạy dọc bãi biển tìm chồng. Trong khi đó, đứa con duy nhất của hai vợ chồng mắc chứng não nước, một mình chị giờ phải lo toan. Chồng chị, anh Nguyễn Xuân, cũng mất tích khi làm thuyền viên cho tàu câu cá ngừ đại dương.

Hiểm nguy chực chờ

Theo thống kê, trung bình mỗi năm tỉnh Phú Yên có gần 10 người bị nạn trên biển, phần lớn là mất tích.
 
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, cho biết các vụ mất tích xảy ra khi ngư dân xuống thúng câu mực để làm mồi câu cá ngừ đại dương. Hằng đêm, mỗi tàu khai thác cá ngừ thả khoảng 5 thúng chai xuống biển, mỗi thúng có 1 thuyền viên, cách xa nhau hàng trăm mét để câu mực. Có rất nhiều lý do xảy ra tai nạn: Sóng lớn đánh úp thúng, bị tàu bè đâm phải, cá lớn thấy đèn bay lên đớp, cá ăn câu giật rơi xuống biển... “Phần lớn là không tìm thấy thi thể vì bị chìm, sóng biển cuốn đi xa” - ông Thuẫn nói.
                                                                                                  H.Ánh
 
Kỳ tới: Khi nào biển bắt, mình đi
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo