Chiều 4-12, thi thể ngư dân Lê Văn Tánh (SN 1969, ngụ xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) được đưa về đến đất liền. Ra đón chồng, bà Nguyễn Thị Quý không khóc, hay nói đúng hơn là không còn nước mắt, chỉ thẫn thờ đưa tay vuốt mái tóc ông Tánh, thầm thì “em đâu nghĩ anh lại đi trước thế này. Con chúng mình biết làm sao hả anh!” rồi đổ gục.
Đi biển rồi đi luôn...
Tai nạn xảy ra vào tối 1-12, khi ông Tánh đi làm thuê trên tàu cá PY-91032-TS của ông Lê Văn Tuấn (SN 1974) đánh bắt cá ngừ đại dương ở Trường Sa. Để có mồi câu cá, ông Tánh cùng một ngư dân khác xuống thúng chai câu mực. Sau một con sóng dữ, chiếc thúng lật úp. Chỉ một ngư dân được cứu sống, còn ông Tánh khi vớt lên đã tắt thở.
Gia đình ông Tánh là hộ nghèo “có mã số” ở xã An Phú. Bà Quý bị ung thư vú 4 năm nay, hiện bệnh đã vào giai đoạn cuối. Nhiều lần ông Tánh đi biển, một mình bà phải ra đồng dặm lúa, tối về mệt, chết giấc. Nghe tiếng trẻ con la khóc, hàng xóm chạy qua, xoa bóp mới cứu được. Trong 4 đứa con của vợ chồng bà Quý, đứa lớn nhất chỉ mới học lớp 6. Hôm chúng tôi đến, 2 đứa con gái tranh nhau đứng học trên một cái ghế cao dùng để đứng thắp hương. Ngồi thở dốc trên võng, bà Quý nghẹn ngào: “Trước khi đi, ảnh còn dặn ở nhà mua thuốc nợ ai đó để uống, gắng sống với con. Ảnh đi đợt này cố gắng kiếm tiền về trả, nếu còn sẽ mua chiếc xe đạp cũ cho mấy đứa nhỏ đi học. Vậy mà ảnh đi luôn…”.
Theo những người hàng xóm, cha ông Tánh cũng mất tích khi đi biển, mẹ qua đời 4 năm sau đó. Riêng ông Tánh bị bệnh gan hơn 1 năm nay nhưng không có tiền chạy chữa. “Làm được bao nhiêu nó chỉ lo cho vợ con, còn mình thì mặc xác” - bà Nguyễn Thị Liệu, một người hàng xóm, nói. Theo thuyền trưởng Tuấn, biết ông Tánh sức yếu nhưng vì ông nghèo quá nên vẫn nhận làm thuyền viên để ông kiếm tiền. “Các thuyền viên khác có thể đi trên mạn tàu nhưng ảnh phải bò. Biết xuống thúng chai câu mực là nguy hiểm, không cho ảnh làm nhưng ảnh cứ nài nỉ để kiếm thêm nên đành chấp nhận” - thuyền trưởng Tuấn bần thần.
Ông Đỗ Tấn Hoang, Bí thư Đảng ủy xã An Phú, cho biết xã đang vận động đoàn thể, trường học, người dân trong xã giúp đỡ gia đình ông Tánh vượt qua khó khăn hiện tại. “Nhưng lâu dài làm sao để 4 con anh Tánh có điều kiện tiếp tục đến trường thì thật là khó” - ông Hoang lo lắng.
Những cái chết đột ngột
Con đường bê tông mới xây dẫn vào thôn Đông An (xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) sâu hun hút. Ở thôn này hầu như năm nào cũng có ít nhất 2 ngư dân tử nạn trên biển. Chỉ trong tháng 4-2013, ở đây đã chứng kiến 2 cái chết đau lòng.
Cách nhà ông Tuấn chưa đầy 500 m là căn nhà trống trơ của ngư dân Lương Văn Ngọc. Ngày 1-4, ông Ngọc cũng mất tích khi đang theo tàu câu mực, bỏ lại vợ cùng 2 con thơ. Bà Trần Thị Chút (vợ ông Ngọc) cho biết trước đó hai vợ chồng vay tiền mua chiếc tàu đi biển nhưng khi ra khơi bị sóng đánh chìm. Không có tàu nên ông Ngọc phải đi bạn cho tàu của người cùng thôn và gặp nạn.
Chúng tôi trở lại thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đúng 3 năm sau ngày định mệnh khiến 4 ngư dân chết trong cùng một chuyến biển.
Hôm đó, 16-12-2010, khi chồng bà Nguyễn Thị Tâm cùng 2 con trai và 2 ngư dân cũng là người cùng thôn vừa dong thuyền ra khơi thì trời đột ngột trở gió, biển động dữ dội. Biết sự chẳng lành, chồng bà Tâm cho tàu chạy vào bờ để trú nhưng không kịp. Trong số 5 người trên chiếc thuyền đó, chỉ còn duy nhất người con trai của bà Tâm sống sót. “Đến bây giờ bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng kêu cứu của chồng con qua điện thoại” - bà Tâm đau đớn.
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn trên biển khiến 13 người chết, 2 người mất tích. |
Thà tha hương hơn làm biển Trong căn nhà cấp 1 thấp tè giữa vùng cát trắng mênh mông ở thôn Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, bà Phan Thị Bốn (SN 1964) vò võ với nỗi buồn hơn 1 năm nay. Tháng 6-2012, chồng bà đã vĩnh viễn ra đi khi đánh cá dài ngày ở vùng biển Hà Tĩnh. Ông Cư mất để lại cho bà Bốn người mẹ già đã qua tuổi 80 cùng 2 đứa con đang tuổi đi học. Chồng mất, mất đi trụ cột, bà Bốn phải lặn lội làm đủ thứ để nuôi mẹ già, con dại. Sau đó, 2 đứa con cũng dang dở việc học. “Giờ tụi nó đã tha hương kiếm sống chứ nhất quyết không chịu về quê làm biển. Tụi nó sợ cảnh đời rồi cũng giống ba nó” - bà Bốn khóc òa. |
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!