Các cán bộ liên quan đến những vụ việc trên luôn có lý do chính đáng để biện minh cho việc họp hành của mình. Nhưng họp hoài, họp mãi mà không có biện pháp cụ thể, không có phương án hữu hiệu chấn chỉnh những sai phạm sờ sờ trước mắt thì họp để làm gì! Như tình trạng du khách, hướng dẫn viên Trung Quốc “làm mưa làm gió” ở Khánh Hòa và Đà Nẵng cả năm qua nhưng đến nay các địa phương trên vẫn chưa trị được. Thậm chí, tại Đà Nẵng, khi nhận được phản ánh của người dân về việc du khách đốt tiền và hướng dẫn viên xuyên tạc lịch sử Việt Nam... thì cơ quan quản lý du lịch thành phố này lại họp bàn. Họp chưa xong thì những du khách, hướng dẫn viên trên đã về nước!
Không ai bài xích việc họp, nếu họp mà mang lại hiệu quả cho công việc. Còn họp mà cứ quẩn quanh với các giải pháp nửa vời, không có kết luận cụ thể về vụ việc gì, không nắm bắt được thực tế thì họp chỉ tổ mất thời gian.
Quy định pháp luật đã có đủ, trách nhiệm từng sở, ngành, cơ quan chức năng cũng rất rõ ràng thì tại sao cứ mất thời gian bàn tới bàn lui. Vụ nhà số 8B Lê Trực sai đã rành rành, nếu chủ đầu tư không cắt bỏ phần sai phạm thì cưỡng chế thi hành, xử phạt chứ “lăn tăn” làm gì nữa. Về việc du khách và hướng dẫn viên Trung Quốc cũng vậy, sai thì phạt, ngoan cố thì trục xuất. Pháp luật đã quy định đầy đủ, nếu các cán bộ có trách nhiệm, các cơ quan liên quan không thực hiện thì hoặc là năng lực quá kém hoặc là sợ đụng chạm quyền lợi của cá nhân. Cả hai vấn đề này cần phải bài trừ tận gốc. Khó có ai chấp nhận một bộ máy suốt ngày cứ họp hành trong khi hiệu quả công việc lại kém.
Việc họp hành liên miên của các cơ quan chức năng đã thành căn bệnh trầm kha. Càng họp cán bộ càng xa rời thực tế, càng mù tịt về những gì đang diễn ra ngay tại địa phương mình, tại lĩnh vực mình quản lý. Cuộc sống luôn vận động và thay đổi từng ngày; cán bộ phải sống trong nó, nắm bắt và điều chỉnh từng chính sách để quản lý và phục vụ người dân; ngược lại thì sẽ chẳng giải quyết được gì.
Nhiều quy định pháp luật liên quan đến quốc kế, dân sinh nhưng khi đưa vào áp dụng lại chênh vênh. Để cho ra đời được những quy định này, đã tốn không biết bao nhiêu cuộc họp của hàng chục cơ quan chức năng qua nhiều năm trời nhưng có không ít điều luật chưa đưa vào áp dụng đã “lòi” ra hàng loạt sai sót. “Làm chính sách trong phòng lạnh” là cách nói gần đây người ta thường dùng để mỉa mai những người làm công tác quản lý và hoạch định chính sách nhưng xa rời thực tế.
Khi không hiểu người dân muốn gì, cần gì mà cán bộ cứ nói lấy dân làm đối tượng phục vụ thì đó chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi, nhất là khi cán bộ cứ mãi chôn mình vào những cuộc họp không hồi kết.
Bình luận (0)