Tại hội nghị tổng kết năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vào chiều 8-1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đánh giá việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của ĐBSCL còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
Theo ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2016, toàn vùng đã có 171 dự án được cấp phép đầu tư (tăng 20 dự án so với cùng kỳ năm 2015) với vốn đăng ký hơn 2 tỉ USD, 115 dự án tăng vốn tổng cộng 555 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn vùng có 1.324 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 19 tỉ USD, chiếm 5,8% số dự án và 6% về vốn đăng ký so với cả nước. Nguyên nhân thu hút FDI trong vùng còn thấp là do ĐBSCL có nhiều khó khăn chưa được cải thiện như: Hạ tầng kết nối giao thông đường bộ, quy hoạch quỹ đất, cấp nước dành cho công nghiệp chế biến…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận xét: “Thu hút FDI của ĐBSCL rất ít. Chỉ tính riêng Long An, do nằm sát TP HCM nên thu hút FDI đã chiếm 34% tổng vốn đăng ký đầu tư toàn vùng. Vấn đề phát triển doanh nghiệp cũng tích cực nhưng vẫn còn quá ít so với phong trào doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước”.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thị sát việc đầu tư, vận hành cảng Cần Thơ và dự án Trung tâm Mekong logistics của tỉnh Hậu Giang. Chuyến thị sát này nhằm phục vụ hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics vào vùng ĐBSCL do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức ngày 9-1 tại TP Cần Thơ.
Với chiều dài cầu tàu 180 m, mớn nước 9,5-10 m, cảng Tân Cảng - Cái Cui thuộc cảng Cần Thơ (do Tổng Công ty Tân Cảng đầu tư giai đoạn 1) có thể tiếp nhận được tàu 20.000 tấn. Hiện tàu container đầu tiên đã vào Tân Cảng - Cái Cui và đây cũng là chuyến tàu thương mại đầu tiên khai trương luồng biển trọng tải lớn vào cửa sông Hậu, đi qua luồng Quan Chánh Bố ở Trà Vinh. Đây cũng là chuyến tàu container đầu tiên từ Hải Phòng vào thẳng ĐBSCL mà không phải ghé qua cảng TP HCM nhờ có dịch vụ logistics trọn gói, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng vùng ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng phát triển giao thông đường thủy, đường biển. Vì thế, cần phải hợp lực để đầu tư cho vùng ĐBSCL phát triển. Tinh thần là hợp lực tạo ra 2 trung tâm logistics lớn của vùng là Cần Thơ và Long An. Không chỉ kết nối các loại hình vận tải trong vùng mà kết nối sang cả Campuchia được thuận lợi.
Bình luận (0)