Sáng nay 22-9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra tại Văn phòng Chính phủ (VPCP) về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc tại Văn phòng Chính phủ - Ảnh: Thế Dũng
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm VPCP, từ 1-1 đến 31-8, tổng số văn bản quy phạm pháp luật được VPCP phát hành là 13.733 văn bản, chưa kể văn bản mật. Trong đó có 1.154 văn bản có giao nhiệm vụ cụ thể, với 6.272 nhiệm vụ mà các bộ, cơ quan, địa phương phải thực hiện. Qua Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi cho thấy, trong tổng số 6.272 nhiệm vụ được giao cho bộ, cơ quan, địa phương trong 8 tháng, có 2.723 nhiệm vụ đến hạn phải hoàn thành, song, mới hoàn thành được 2.501 nhiệm vụ, 222 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa thực hiện xong.
Tuy nhiên, số văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm còn thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ còn nợ 7 văn bản, sẽ trình ban hành trong tháng 10-2016. Trong khi đó, cuối năm 2011 nợ 33 văn bản, năm 2012 nợ 27 văn bản, năm 2013 nợ 17 văn bản, năm 2014 nợ 6 văn bản, năm 2015 nợ 4 văn bản.
Cũng trong 8 tháng nay, VPCP đã tham mưu ban hành các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của Quốc hội, trong đó đã xác định hơn 200 đề án lớn Chính phủ phải xây dựng và triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020.
VPCP đã trình 288/379 đề án phải trình (đạt 76%); tham mưu, trình Chính phủ cho ý kiến, thông qua 19/20 dự án luật, pháp lệnh phải trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 116 Nghị định, 73 Nghị quyết, 32 Quyết định, 24 Chỉ thị, 72 thông báo kết luận, 312 công văn, công điện…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết có văn bản quá hạn là đang theo dõi chứ không phải là nhiệm vụ quá hạn. “VPCP có nợ việc đó là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc phối hợp với VPCP xây dựng ban hành văn bản không đúng hạn, có thể lỗi bên này bên kia đều có trách nhiệm của VPCP” - ông Dũng nhìn nhận.
Đáng nói, ông Mai Tiến Dũng cho hay thời gian qua có tình trạng đùn đẩy lên Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dẫn đến họp nhiều. Lẽ ra nhiều việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh. Nếu theo đúng thẩm quyền thì lượng văn bản đẩy lên VPCP sẽ giảm 20-25%. Ông Dũng dẫn ví dụ dự án đầu tư thông thường là hoàn toàn nằm thẩm quyền quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) kiểm tra, thẩm định có đảm bảo đúng quy định pháp luật nhưng có nhiều dự án thay vì Bộ KH-ĐT chủ động quyết định thì đẩy lên VPCP làm thay.
Đáng chú ý, theo người đứng đầu VPCP, vấn đề nổi cộm trong thời gian qua là “họp quá nhiều” do liên quan đến việc phân cấp, xử lý theo thẩm quyền của bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh. “Do Bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh không làm tròn trách nhiệm, né việc bằng cách xin ý kiến Chính phủ nhiều việc không cần thiết” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng trên thực tế, VPCP khi làm hết trách nhiệm nhưng ở một số bộ ngành, địa phương không cùng quan điểm, chưa đồng tình, thậm chí là không “hài lòng” với sự tham mưu của VPCP cũng dẫn đến sự chậm trễ của văn bản cùng phối hợp xây dựng. “Song quan điểm tham mưu của VPCP là tham mưu có đúng không, có đúng thời gian, tiến độ và chất lượng” - ông Dũng nói.
Để khắc phục, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết đối với nhiệm vụ của VPCP thì VPCP xác định vấn đề quan trọng là định mốc thời gian phải ra băn bản, với các “đèn tín hiệu” (xanh, đỏ), tất cả văn bản, hồ sơ đều được xử lý qua mạng và được công khai rộng rãi tình hình, tiến độ xử lý, hạn chế tối đa tình trạng chậm xử lý hoặc để quá hạn hồ sơ.
“Đặc biệt là ngăn chặn triệt để tình trạng “gọi” doanh nghiệp, tập đoàn… lên làm việc trực tiếp rồi gây phiền hà, nhũng nhiễu mới chịu hoàn tất văn bản” - Chủ nhiệm VPCP khẳng định.
Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã Chu Đức Nhuận cho biết lượng văn bản mật được giao cho vụ tham mưu xây dựng là 48 văn bản. Theo ông Nhuận, thời gian qua có tình trạng văn bản phải mất nhiều thời gian xây dựng là do thứ trưởng các bộ cò cưa, "đấu súng", vênh nhau nhiều nội dung cụ thể quản lý nhà nước. Vì vậy, khi Thủ tướng giao nhiệm vụ trực tiếp cho Bộ trưởng thì 2 Bộ trưởng ngồi với nhau 1 buổi là xong.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa , Tổ trưởng Tổ công tác, bổ sung thêm nguyên nhân chậm ban hành văn bản còn do mỗi cuộc họp lại một vị thứ trưởng khác nhau đi dự nên không nắm được việc từ đầu. "Thực tế mỗi thứ trưởng phụ trách lĩnh vực quá rộng nên cũng không nắm sâu nhiều việc dẫn đến sự chậm trễ"- ông Thừa nhìn nhận.
Bình luận (0)