Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm VPCP, từ ngày 1-1 đến 31-8, VPCP đã ra 13.733 văn bản quy phạm pháp luật, chưa kể văn bản mật. Đáng chú ý, số văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm còn thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ còn nợ 7 văn bản, sẽ trình ban hành trong tháng 10-2016. Trong khi đó, cuối năm 2011 nợ 33 văn bản, năm 2012 nợ 27 văn bản, năm 2013 nợ 17 văn bản.
Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Văn phòng Chính phủ
Trong 8 tháng đầu năm 2016, VPCP đã trình 288/379 đề án phải trình (đạt 76%); tham mưu, trình Chính phủ cho ý kiến, thông qua 19/20 dự án luật, pháp lệnh phải trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 116 nghị định, 73 nghị quyết, 32 quyết định, 24 chỉ thị… Qua hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi cho thấy trong tổng số 6.272 nhiệm vụ được giao cho bộ, cơ quan, địa phương, có 2.723 nhiệm vụ đến hạn phải hoàn thành song mới hoàn thành được 2.501 nhiệm vụ, 222 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa thực hiện xong.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết VPCP có nợ việc. Đó là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc phối hợp với VPCP xây dựng ban hành văn bản không đúng hạn. Có thể lỗi bên này bên kia song đều có trách nhiệm của VPCP.
Theo ông Mai Tiến Dũng, thời gian qua có tình trạng đùn đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ dẫn đến họp nhiều. Lẽ ra, nhiều việc thuộc thẩm quyền của bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Nếu theo đúng thẩm quyền thì lượng văn bản đẩy lên VPCP sẽ giảm 20%-25%.
Ông Dũng dẫn chứng dự án đầu tư thông thường hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) để kiểm tra, thẩm định có bảo đảm đúng quy định pháp luật hay không. Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án thay vì Bộ KH-ĐT chủ động quyết định thì đẩy lên VPCP làm thay.
Đáng chú ý, theo người đứng đầu VPCP, vấn đề nổi cộm trong thời gian qua là “họp quá nhiều” do liên quan đến việc phân cấp, xử lý theo thẩm quyền của bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. “Do bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành không làm tròn trách nhiệm, né việc bằng cách xin ý kiến Chính phủ nhiều việc không cần thiết” - ông Mai Tiến Dũng nói.
Khi VPCP làm hết trách nhiệm nhưng một số bộ, ngành, địa phương không cùng quan điểm, chưa đồng tình, thậm chí không “hài lòng” với sự tham mưu của VPCP cũng dẫn đến sự chậm trễ của văn bản cùng phối hợp xây dựng.
Để khắc phục, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết đối với nhiệm vụ của VPCP thì VPCP xác định vấn đề quan trọng là định mốc thời gian phải ra văn bản với các “đèn tín hiệu” (xanh, đỏ). Quá trình xây dựng văn bản được cập nhật trên hệ thống để theo dõi và gắn chặt trách nhiệm, nơi nào chậm là hiển thị rất rõ ràng.
“Đặc biệt là ngăn chặn triệt để tình trạng “gọi” doanh nghiệp, tập đoàn… lên làm việc trực tiếp rồi gây phiền hà, nhũng nhiễu mới chịu hoàn tất văn bản” - Chủ nhiệm VPCP khẳng định.
Bình luận (0)