Biển Đông ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển không chỉ ở khu vực Đông Á mà của toàn châu Á - Thái Bình Dương… Đó là khẳng định của GS Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, tại hội thảo khoa học quốc tế biển Đông lần thứ 3 ở Hà Nội ngày 4-11.
Hơn 200 đại biểu là những học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ Trung Quốc, các nước ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy đã tham gia hội nghị, phân tích những diễn biến mới liên quan tới biển Đông thời gian gần đây và đề xuất các biện pháp nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Đánh giá về các nguy cơ xung đột ở biển Đông, GS Đặng Đình Quý cho rằng nếu không có sự kiềm chế, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế của các bên liên quan, cũng như nếu không có những nỗ lực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
TS Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định mọi thành viên trong các nước ASEAN đều có lợi ích bất di bất dịch đối với ổn định ở biển Đông, cần giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nền tảng cho sự đồng thuận lâu dài trong ASEAN chính là cần phải có một cơ chế quản lý xung đột như Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), dù vẫn tồn tại những khác biệt về cách tiếp cận và về tầm quan trọng của nó. GS Carlyle Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Úc đồng quan điểm: Chính nhờ thông qua DOC, tình hình căng thẳng ở biển Đông đã dịu đi trong nửa cuối năm 2011.
Nhiều đại biểu khác cho rằng biển Đông thực sự mang ý nghĩa toàn cầu, bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa, an ninh quốc tế là không thể chia cắt, lợi ích của các nước ở khu vực và trên thế giới đan xen lẫn nhau, sự phát triển của khu vực này có ảnh hưởng tới sự phát triển của các khu vực khác. Do vậy, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải là vấn đề mang tính sống còn không chỉ đối với các nước trong khu vực mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiều nước khác trên thế giới.
Các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ... đều có lợi ích, ở những mức độ khác nhau trong vấn đề biển Đông. Trong bối cảnh Mỹ đang chuyển dần trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nước này đang và sẽ dành ưu tiên ngày càng cao hơn cho các vấn đề như tự do, an toàn hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông. “Việc Mỹ quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương được nhiều nước Đông Nam Á hoan nghênh như một sự đóng góp tích cực cho ổn định của khu vực” - GS Thayer chia sẻ.
Bình luận (0)