Gần đây, trên mạng xã hội Facebook liên tục xuất hiện những tin đồn sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến nạn nhân. Thậm chí, nạn nhân còn có thể bị khủng hoảng tâm lý dẫn đến tự tử.
Nhiều trang mạng lan truyền tin bịa đặt 2 nữ sinh cưỡng hiếp một thanh niên đến tử vong. (Ảnh chụp lại màn hình của một trang mạng)
Đơn cử như việc nhiều trang mạng xã hội, tài khoản cá nhân lan truyền thông tin bịa đặt 2 nữ sinh bị bắt vì cưỡng hiếp một thanh niên đến tử vong tại tỉnh Bình Thuận. Các nạn nhân bị lấy hình ảnh trên trang cá nhân Facebook để ghép vào thông tin nhạy cảm. Trước thông tin này, các nạn nhân cảm thấy sốc, tinh thần khủng hoảng nghiêm trọng. Gia đình nạn nhân cũng bị sự dè bỉu của người thân và xã hội.
Cuối tháng 9-2016, tại cổng Trường Tiểu học và THCS Âu Lâu (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), em B.Đ.Q.H (học sinh lớp 8) bị một nhóm người đánh gây thương tích phải nằm viện điều trị 7 ngày. Sau khi xuất viện, H. tự tử tại nhà. Người thân của H. cho rằng em này hành động dại dột như vậy có thể vì hoảng sợ và xấu hổ khi clip em bị đánh, bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội.
Hàng loạt vụ vi phạm pháp luật, trái với đạo lý như giết hại động vật quý, buôn bán tiền giả, bắt cóc trẻ em mổ nội tạng… cũng được tung lên mạng xã hội nhằm câu like. Rất nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra nhưng vẫn không ngăn được những nút chia sẻ và "like" vô cảm đến từ cộng đồng mạng.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học, cho biết việc dân cư mạng hùa theo một sự việc để ném đá, lên án, chia sẻ thông tin một cách vô ý thức xảy ra rất nhiều trong thời gian gần đây. Dân cư mạng có xu hướng thích tin giật gân, tin "hot", kể cả hơi vô lý nhưng vẫn tiếp nhận để thể hiện mình biết thông tin, lôi kéo sự hiếu kỳ của người khác. Đó là trào lưu rất xấu, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Những người trẻ rất dễ bị hùa theo, kích động quá mức bởi những nhóm đông là điều rất dễ xảy ra. "Với trách nhiệm công dân, những người dùng mạng xã hội phải thông thái, chín chắn trước khi chia sẻ, phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng" - PGS-TS Trịnh Hòa Bình khuyến cáo.
Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội "Vu khống" thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" với mức phạt cao nhất là 3 năm tù, tội "Vu khống" với mức phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù, tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet" với mức phạt cao nhất là 7 năm tù…
Không có chuyện trẻ em bị bắt cóc lấy nội tạng
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45 - Bộ Công an), khẳng định phần lớn các thông tin trên mạng về việc bắt cóc trẻ em là không đúng. Hầu hết trẻ em mất tích là do đi lạc, tự bỏ nhà đi, người trong gia đình hay bố mẹ ly hôn xảy ra mâu thuẫn rồi tìm cách đưa các cháu bé đi… Ở vùng biên giới giáp Trung Quốc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có việc phụ nữ và bé trai bị bắt để bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơ quan điều tra tiếp nhận rất ít thông tin trình báo về việc này.
Bình luận (0)