Đã không còn là chuyện hiếm, song các thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội như Facebook về cái gọi là "hai nữ sinh hiếp dâm nam thanh niên tới chết" hay "lại thêm một vụ án mạng chém cụt đầu tại Việt Trì" những ngày qua khiến tất cả đều phẫn nộ bởi sự ác độc của nó.
Là những người ngoài cuộc nhưng bất kỳ ai cũng không thể tưởng tượng nổi lại có kẻ ác độc tới mức dựng lên câu chuyện ghê tởm như vậy đối với những nữ sinh tuổi chưa tới đôi mươi. Vậy cô gái trẻ mới chập chững vào đời thì thông tin bịa đặt, vu khống trắng trợn này còn bị ảnh thưởng nghiêm trọng đến đâu về sức khỏe, tâm lý cũng như cuộc sống.
Quá phẫn uất vì "tin giả" xâm phạm nghiêm trọng danh dự và nhân phẩm của mình, hai nữ sinh N.T.T.H (SN 1998) và N.T.H (SN 1998) đã phải nhờ cậy luật sư giúp đỡ, đồng thời đề nghị cơ quan công an vào cuộc "vạch mặt chỉ tên" kẻ tung tin độc ác. Tương tự, dù không có bị hại cụ thể, song cơ quan công an ở Phú Thọ cũng đã triệu tập thanh niên 24 tuổi đến để làm rõ hành vi tung tin đồn về vụ án rùng rợn gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội.
Những đối tượng tung "tin giả" trên đây chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật tùy tính chất, mức độ sai phạm.
Tuy nhiên, những vụ tung tin thất thiệt này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn "tin giả" đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng hơn trên mạng xã hội. Cùng với sự phát triển của internet và các thiết bị di động thông minh, số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ có thể xem là "bùng nổ". Trong khi Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có số người sử dụng mạng internet cao nhất thế giới thì số liệu do Công ty Appota công bố hồi tháng 4 vừa qua cho biết cả nước đã có tới 38 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó chiếm tỉ lệ áp đảo là dùng Facebook.
Bên cạnh những mặt tính cực về chia sẻ, tương tác thông tin… thì mạng xã hội đã sớm bộc lộ những mặt trái, có cả mặt trái "chết người". Sự kiểm chứng, trách nhiệm và đạo đức, thậm chí cả pháp luật cũng bị không ít cư dân mạng xem thường. Có khi chỉ vì "câu" view, like chưa kể những dụng ý xấu xa khác mà có những kẻ sẵn sàng chà đạp lên tất cả. Sự bịa đặt trắng trợn để vu khống hai nữ sinh hay các thông tin bịa đặt nghiêm trọng khác trước đây như "dịch bệnh chết người Ebola lây lan tới Việt Nam", "bưởi gây ung thư"… minh chứng rõ điều này.
Vấn nạn "tin giả" trên mạng xã hội là thách thức, vấn đề nghiêm trọng với rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Đồng thời với việc yêu cầu Facebook, Google kiểm soát chặt chẽ, trách nhiệm hơn, các nước đều mạnh tay xử lý những đối tượng tung tin thất thiệt. "Tin giả" có thể sẽ còn phát tán mạnh mẽ và đặc biệt là gây tác hại nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không mạnh tay và nghiêm khắc hơn với vấn nạn này.
Bình luận (0)