ĐI LÊN TỪ CON SỐ 0
Tách ra từ huyện Trà My năm 2003, Nam Trà My sở hữu tất cả những gì khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam: đời sống nhân dân vô cùng cơ cực, cái đói chực chờ quanh năm với 87% hộ nghèo; cơ sở hạ tầng còn rất sơ khai; điện, đường, trường, trạm thì xây dựng từng bước. Ngay cái nhu cầu tối thiểu là nơi làm việc của các cơ quan của huyện cũng rất nan giải.
Tắk Pỏr mới chỉ là một cụm dân cư nhỏ bé nằm bên bờ sông Tranh, lọt thỏm giữa bốn bề núi, không dễ kiếm cho ra một mặt bằng nên hình nên dáng để xây dựng, mà nhu cầu xây dựng cho một huyện lỵ mới mẻ thì rất bao la. Khi lên đây làm buổi giới thiệu tập thơ “Đường quê hương” của nhà thơ Đinh Mươk - lúc ấy là đại biểu Quốc hội, Bí thư Huyện ủy, người dân tộc Ca Dong - chúng tôi tận mắt chứng kiến những khó khăn không dễ gì lấp đầy của “trung tâm huyện” và của cả huyện; cảm thấy phía trước vô cùng mơ hồ và ái ngại cho một vùng đất từng một thời rạng rỡ trong công cuộc kháng chiến cứu nước. Nói bắt đầu từ con số 0 là vô cùng chuẩn xác dành cho Nam Trà My cái buổi ban đầu ấy.
Mười bốn năm, Nam Trà My đã có sự bứt phá ngoạn mục. Đã từng bước hoàn thiện và bám theo các huyện bạn, tất nhiên là so với các huyện miền núi. Đường đã thông, đường Nam Quảng Nam hoàn chỉnh, Quốc lộ 40B nối Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh qua ngõ Tu Mơ Rông (Kon Tum) giúp Nam Trà My thoát cảnh khó khăn bí bách của cái vùng chẳng khác gì “đất Ba Thục” thời Tam Quốc. Mở được đường là đã cơ bản thoát khỏi thế bí của vùng rừng núi xa xôi này. Khu trung tâm huyện lỵ bây giờ cơ bản đã ra vẻ một thị trấn miền núi. Đa số trường học đã bắt đầu kiên cố hóa, tầng hóa. Các nhu cầu về y tế đã được nâng cấp đáng kể. Việc giao thương buôn bán cũng phát triển nhờ con đường hơn trăm cây số nối với Tam Kỳ. Nhìn bộ mặt Tắk Pỏr là thấy được sự phát triển của thương nghiệp Nam Trà My, khác xa cảnh dăm hàng quán lèo tèo hồi chúng tôi lên khi Nam Trà My vừa chia tách.
Nhưng vẫn còn vô vàn khó khăn của một huyện miền núi non trẻ. Hỏi tại sao Tắk Pỏr - Trà Mai chưa “lên thị trấn”, câu trả lời là số hộ nghèo còn quá nhiều, cùng bao nhiêu thiếu thốn khác nữa so với tiêu chuẩn một thị trấn. Tắk Pỏr mà còn như thế thì các xã xung quanh còn khó khăn gấp bội phần. Nhiều thôn chưa có đường đi, như các thôn dưới chân núi Ngọc Linh. Chủ tịch UBND huyện, ông Hồ Quang Bửu, cho biết huyện có 26.000 người gồm các dân tộc Xê Đăng, Ca Dong, Mơ Nông và Kinh mà có đến 4.409 hộ nghèo, chiếm 66,23%. Đa số các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Vì thế, để phát triển kinh tế Nam Trà My phải có những quyết sách táo bạo và đúng đắn mới nhanh chóng vượt ra khỏi các rào cản nghèo khó đang bao vây vùng đất này.
TÁO BẠO LÀM GIÀU TỪ CÂY QUÝ
Từ Tắk Pỏr, hỏi lên vùng sâm Ngọc Linh mất bao lâu, câu trả lời rằng hết 7-8 giờ, đường toàn dốc núi dựng đứng! Mùa khô đã xa xôi, mùa mưa lũ càng cực khổ gấp bội. Câu chuyện của sâm Ngọc Linh là câu chuyện huyền thoại. Khởi từ cây sâm K5 hồi kháng chiến chống Mỹ hoặc xưa hơn là cây “thuốc giấu” của đồng bào, sau này sâm Ngọc Linh được gắn với nhiều mỹ từ nhưng tôi cứ thích ba chữ mà Chủ tịch UBND huyện Hồ Quang Bửu hay nhắc tới: “Cây thoát nghèo”! Từ vùng trồng sâm của rất ít người mà tiêu biểu là tỉ phú Hồ Văn Du với hơn 5 ha sâm (nếu bán theo giá thấp nhất 50 triệu đồng/kg thì cũng có trong tay 6 triệu USD), việc “nhân ra” cho dân 7/10 xã trên toàn huyện cùng trồng sâm thì quả là một ý tưởng táo bạo. Nếu làm được, sẽ mở ra một hướng mới cho cây sâm huyền thoại. Đã có sự gắn kết giữa việc phát triển rộng vùng sâm với việc bảo vệ rừng, làm thế nào để có độ che phủ trên 70% và thảm thực vật dày trên độ cao từ 1.500 đến 2.300 m để trồng sâm là một cái đích khắt khe để mọi người dân hướng đến, để có đất mà trồng sâm, để có đất mà thoát nghèo và hơn thế là làm giàu.
Người trồng sâm vốn sống ở vùng lõi các khu rừng già nên có ý thức bảo vệ rừng rất cao. Họ đặt ra luật lệ riêng để phạt những ai chặt phá hay đốt rừng, vì thế phát triển rộng vùng sâm sẽ làm thay đổi thói quen của người dân, khiến họ dần hình thành ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn. Sâm Ngọc Linh đã có tiếng nói với thế giới. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến nghiên cứu và có nhiều kết luận khả quan về chất lượng của sâm núi Ngọc Linh. Ở lễ hội sâm lần thứ 13, năm 2015, tại huyện Hamyang, tỉnh Gyeongsang - Hàn Quốc, sâm núi Ngọc Linh của Quảng Nam đã được nhắc đến. Tại lễ hội của huyện Gyeongsang, các nghi lễ tôn vinh sâm đã được những nghệ nhân địa phương thể hiện, tạo nên nét độc đáo của lễ hội. Phần đặc sắc của lễ hội chính là phần trưng bày các sản phẩm rất đa dạng được chế biến từ sâm của Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ, Canada…
Lễ hội dành cho sâm Ngọc Linh Quảng Nam tại lễ hội sâm quốc tế sẽ diễn ra vào năm 2020 ở đây. Và riêng ở Nam Trà My, sau lễ hội sâm tại Hamyang, hàng loạt công việc đã được huyện khẩn trương thực hiện, như lập đề án “Phát triển vùng sâm gốc Ngọc Linh”, đã được Chính phủ phê duyệt năm 2016 với kinh phí 9.000 tỉ đồng. Cơ chế của tỉnh và của huyện về việc cho người dân vay vốn ưu đãi để trồng sâm sớm được triển khai. Vùng trồng sâm 17.000 ha trải rộng trên địa bàn 7 xã cũng đã được quy hoạch, nhiều nơi có sự điều chỉnh hợp lý để mọi người dân đều có cơ hội tham gia trồng sâm. Năm 2016, huyện tổ chức khảo sát, đo đạc, cắm mốc, phân lô để thực hiện cho thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm giai đoạn 1 tại địa bàn các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang với diện tích 932,16 ha/39 nhóm với 769 hộ. Nhiều làng đã phát triển việc trồng sâm nam như Takbang, Mô Cai, Tak Pu…
Các vườn ươm sâm giống như Trại sâm giống Tắk Ngo hay Trại dược liệu Trà Linh - vườn cung ứng sâm giống của tỉnh - đang tích cực ươm giống để kịp thời cung ứng cây giống cho các xã. Năm 2017, theo kế hoạch, huyện sẽ cung cấp 1.000 cây sâm giống cho các hộ nghèo. Ngoài ra còn có 6 doanh nghiệp tham gia đầu tư để trồng và phát triển vùng sâm. Dù chưa được như Gyeongsang - nơi xe buýt có thể chạy đến tận vườn sâm - nhưng Nam Trà My cũng cố gắng mở thêm 50 km đường với kinh phí 480 tỉ đồng chạy từ trung tâm huyện đến đỉnh núi ở độ cao khoảng 2.000 m và xuyên qua luôn Mường Hoong (Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) trong năm 2017-2018. Khi ấy, việc đến với đỉnh cao Ngọc Linh sẽ không còn cách trở như bây giờ, tất nhiên, việc bảo vệ các vườn sâm sẽ khó khăn hơn nhưng chỉ có thế mới có cơ hội phát triển cây sâm như nước bạn được.
Nằm trong chuỗi hoạt động của Hành trình di sản Quảng Nam năm 2017, Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh” sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 13-6 nhằm quảng bá những đặc trưng văn hóa, những loài cây dược liệu quý hiếm của huyện, những danh lam thắng cảnh của quê hương tới công chúng mọi miền.
Đây còn là dịp tạo cầu nối để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh về dược liệu và các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, những nét độc đáo của Nam Trà My chưa được khai thác đúng mức.
Qua mặt sâm Cao Ly
Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần.
Bình luận (0)