Bước vào tháng chạp, các buôn làng đã rộn rã bước vào mùa lễ hội. Khi hạt thóc cuối cùng đã được đua về kho thì tiếng cồng chiêng đã bắt đầu vang vọng khắp núi rừng, cả ngày lẫn đêm. Có 3 lễ lớn mà người vùng cao thường không thể bỏ qua trong mùa lễ hội là lễ mừng lúa mới, tết bến nước và tết đổ đầu.
Chuẩn bị cho Tết đổ đầu của gia đình Ma Thích ở buôn Hai Krông, xã EaBia, huyện Sông Hinh, Phú Yên
Hôm nay già làng Ma Vi ở buôn Hai krông, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh (Phú Yên) dậy rất sớm để chuẩn bị cho một nghi lễ quan trọng của người Êđê: Tết bến nước.Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng (Phú Yên), với nhiều dân tộc thiểu số ở vùng cao, nước và lửa là khởi nguồn của sự sống. Chính vì thế mà bếp lửa của mỗi nhà không được để nguội, nước trong chum, trong vại không được để cạn. Bến nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người vùng cao. Vị thần canh giữ bến nước cũng chính là vị thần tối cao: Giàng. Lễ tết bến nước tức là cầu trời cho mưa đều cả năm để dân làng có nước uống, để thú nuôi có nước mà sống, để cây trồng có nước mà phát triển, và để bệnh tật được đẩy lùi.
Tết đổ đầu thường được diễn ra rất sớm để mọi người còn đi chơi tết
Tuỳ vào đời sống của dân làng năm cũ mà vật lễ cho tết bến nước ít hay nhiều, nhưng không thể thiếu một con gà trống đẹp nhất trong buôn được chọn trước đó. Sau khi tất cả dân làng tập trung đông đủ ở nhà già làng sẽ cùng nhau mang lễ vật ra bến nước. Theo quan niệm của nhiều dân tộc vùng cao như như Êđê, Bana, Chăm H’Roi, cũng giống như tiếng gà xua đi đêm tối, huyết gà hòa với rượu có thể xua đi những điều gì được cho là xấu xa, bệnh tật của năm cũ. Tại bến nước thanh niên trong buôn đã đắp bờ, khoanh sẵn một vũng nước nhỏ. Con gà trống được giết thịt để cúng Giàng, còn huyết gà hoà vào rượu trong một cái bát lớn.Già làng 2 tay bê bát huyết gà hòa rượu lên cao khỏi đầu khấn vái, cầu trời cho một năm bệnh tật tránh xa, những điều xấu không đến với buôn làng,mưa đều cả năm để dân làng khoẻ mạnh, nuôi con gì lớn con nấy, trồng cây gì được mùa cây ấy. Sau khi khấn vái xong, già làng sẽ đổ bát rượu huyết xuống vũng nước và bắt đầu mở hội cho dân làng. Suốt cả ngày, không ai được đụng vào vũng nước ấy. Đến chiều, khi lễ hội sắp kết thúc, được lệnh của già làng, các thanh niên trong buôn xuống tát cạn vũng nước, để mạch ra nước mới, dân làng mỗi nhà đã chuẩn bị một cái bát mang nguồn nước mới ấy về dùng lấy may.
Y Thích chuẩn bị được “đổ đầu”, cầu cho sự may mắn trong năm mới
Cũng giống như vậy, trong lễ mừng lúa mới hay Tết đổ đầu, huyết gà trống hòa rượu sau khi được chủ nhà khấn vái sẽ được rưới lên kho lúa để những kẻ cắp lúa như chuột, sâu bọ không mò tới, để năm sau lúa lại bội thu. Còn Tết đổ đầu thường được diễn ra vào buổi sớm ngày đầu năm mới. Gia chủ cũng sẽ lấy huyết con gà trống đẹp nhất trong nhà hòa với rượu rưới lên đầu của từng thành viên trong gia đình, đến từng con vật, cái cày, cái cuốc, đếncả những bậc thang, khung cửa. Đó là một nghi thức để tạ ơn mọi vật trong gia đình đã cho một năm no đủ, cũng là để xua đi mọi điều xui rủi, bệnh tật còn bám theo của năm cũ, cầu mong cho gia đình một năm mới sức khỏe và ấm no. Chỉ sau khi được “đổ đầu”, những thành viên trong gia đình mới được ra khỏi nhà, chơi xuân. Tết đổ đầu bắt nguồn từ người Chăm H'Roi, nhưng sau đó, với việc giao thoa văn hóa, một số dân tộc khác cũng có Tết đổ đầu.
Tết bến nước được tái diễn ở huyện Sông Hinh (Phú Yên)
“Người dân vùng cao tin rằng huyết gà trống hòa với rượu có thể xua đi những điều xấu, mang lại những điều may mắn trong năm mới. Tôi cho đấy là một quan niệm nhân sinh mà ta cần trân trọng” – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng nhìn nhận.
Bình luận (0)