xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ì ạch vét luồng sông Hậu

PHẠM CÔNG - NHẬT THANH

Dự án có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của cả khu vực ĐBSCL nhưng lại chậm trễ trong thi công

Trong chuyến đi khảo sát thực tế tại dự án xây dựng “Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu” (gọi tắt là dự án) tại tỉnh Trà Vinh mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã tỏ ra không hài lòng với tiến độ thi công chậm trễ của dự án hàng ngàn tỉ đồng này.

Trải qua 9 lần rà soát

Cuối tháng 12-2009, dự án được phát lệnh khởi công. Theo thiết kế, dự án sẽ cải tạo, nạo vét hơn 40 km luồng tàu tính từ sông Hậu ra tới cửa biển. Trong đó, đoạn sông Hậu dài khoảng 12 km, đoạn kênh Quan Chánh Bố hiện hữu dài 19 km, đoạn kênh Tắt cắt qua đất liền dài khoảng 8 km và đoạn luồng biển dài khoảng 6 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng, giai đoạn đầu tiên là thông luồng kỹ thuật có trị giá hơn 6.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Đoạn sông nằm gần cầu Long Trường (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) Ảnh: NHẬT THANH
Đoạn sông nằm gần cầu Long Trường (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) Ảnh: NHẬT THANH

Do được xem là dự án trọng điểm của quốc gia và có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển của cả khu vực ĐBSCL nên tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo chính quyền 2 huyện Duyên Hải và Trà Cú bảo đảm tốt công tác giải phóng mặt bằng để không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh trong quá trình xây dựng để thực hiện thành công dự án với chất lượng cao nhất, an toàn và hiệu quả nhất.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam (chủ đầu tư), do khó khăn về nguồn vốn, dự án đã phải dừng tiến độ thi công. Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, dự án đã trải qua 9 lần rà soát để đánh giá các yếu tố kinh tế - kỹ thuật và môi trường.

Đến giữa tháng 3-2014, Bộ GTVT mới làm lễ khởi công gói thầu 10A (xây dựng khoảng 2,4 km đê chắn sóng phía Nam), chính thức khởi động lại dự án. Tiếp theo đó, gói thầu 6A (thi công nạo vét kênh Tắt và công trình bảo vệ bờ Km0-650 đến Km 3+628) cũng được khởi công.

Đến đầu tháng 10-2014, 2 gói thầu 6B (nạo vét kênh Tắt, luồng tàu rộng 85 m và kè bảo vệ 2 bờ có chiều dài 4.547 m) và gói thầu 11 (nạo vét luồng sông Hậu rộng 95 m và kênh Quan Chánh Bố rộng 85 m, tổng chiều dài khoảng 30 km) cũng được làm lễ động thổ. Đây được xem là những gói thầu rất quan trọng, có ảnh hưởng đến quá trình thi công của toàn bộ dự án. Tuy nhiên đến nay, tiến độ thi công của những gói thầu này vẫn đang ì ạch.

Vận động người dân giao mặt bằng

Ngày 9-2, chúng tôi đến huyện Duyên Hải và được người dân nơi đây cho biết những ngày qua có thấy 3 tổ tàu tiến hành nạo vét trên đoạn sông gần cầu Long Trường và những đoạn sông khác nằm trong luồng sông Hậu. “Một tổ nạo vét vừa mới làm lễ khởi công cách đây 3 ngày” - anh Nguyễn Hữu Nhân - cho thuê bàn ghế ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải - nói. Tuy nhiên, quan sát trên nhiều km sông chảy qua huyện Duyên Hải, chúng tôi không thấy tổ nạo vét nào hoạt động.

Trước đó, trong chuyến thị sát thực tế vào ngày 6-2, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để không làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết đã chỉ đạo 2 huyện bị ảnh hưởng bởi dự án chi tiền giải phóng mặt bằng cho dân dứt điểm từng khâu và vận động để họ hiểu mà chấp hành.

“Việc bàn giao mặt bằng cho dự án sẽ cố gắng thực hiện dứt điểm trước Tết Nguyên đán” - ông Lâm khẳng định. Theo kế hoạch đã được điều chỉnh, dự án có thời gian thực hiện trong vòng 5 năm với 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2013-2015, chủ yếu là giải phóng mặt bằng và thông luồng kỹ thuật. Giai đoạn 2 từ sau năm 2015 (2016-2017), tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại.

Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa qua cảng của khu vực ĐBSCL đến năm 2015 đạt trên 16 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ trên 40 triệu tấn, chiếm khoảng 20% hàng hóa. Khoảng 80% hàng xuất nhập khẩu còn lại (lúa - gạo, sắt - thép…) phải chuyển tiếp qua các cảng khu vực TP HCM do luồng sông Hậu hiện tại chỉ đáp ứng tàu có trọng tải 5.000 tấn.

Do vậy, khi hoàn thành, dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn (đầy tải) - 20.000 tấn (giảm tải) ra vào các cảng trên sông Hậu, chấm dứt tình trạng phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TP HCM.

 

Khan hiếm vật liệu xây dựng

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thi công dự án tiếp tục chậm trễ là do thiếu vật liệu xây dựng.

Theo ông Nhật, trước đây, khu vực ĐBSCL không có cát, đá. Bản thiết kế của dự án làm từ năm 2009 nên các nhà thầu thi công không dự trù được vật liệu. Cùng lúc đó, ở khu vực luồng sông Hậu, các dự án Nhiệt điện 1, 2, 3 triển khai một lúc nên càng khan hiếm vật liệu, toàn vùng không có cát, đá để cung cấp. Ngoài ra, việc trượt giá của vật liệu cũng khiến nhà thầu gặp khó khăn. “Đến nay, bài toán về vật liệu đã được giải quyết ổn thỏa nên tiến độ đang thực hiện tốt” - ông Nhật khẳng định.

V.Duẩn

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo