Kê khai thiếu trung thực có thể bị cách chức
So với quy định hiện hành, dự thảo mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Người phải kê khai bao gồm từ bí thư và phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch và phó chủ tịch HĐND, UBND, ủy viên UBND xã/phường/thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã; cán bộ địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán của UBND xã/phường/thị trấn cho đến những người làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội,…
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải tự xác định tài sản, giá trị tài sản phải kê khai và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực trong việc kê khai của mình. Trong đó, phải có đầy đủ thông tin biến động cũng như số lượng, giá trị tài sản, thu nhập. Tài sản, thu nhập phải kê khai gồm các loại nhà và công trình xây dựng khác đang sử dụng thuộc sở hữu Nhà nước hoặc đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tài khoản, tài sản ở nước ngoài; kim khí quý, đá quý, tiền, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc, các công cụ chuyển nhượng khác, mô tô, ô tô, tàu thuyền và các loại tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên,…
Trong lần sửa đổi này, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị bổ sung điều khoản kê khai tổng thu nhập trong 1 năm của cán bộ.
Hằng năm, bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp thấy có dấu hiệu khai không đúng, người đứng đầu cơ quan sẽ yêu cầu giải trình nguồn gốc tài sản. Nếu bản giải trình không hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu thì có thể ra quyết định xác minh. Thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình xác minh sẽ được giữ bí mật và chỉ báo cáo với người ra quyết định xác minh. Sau khi xác minh cho thấy có sự không trung thực thì người kê khai sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức.
Vẫn mang tính hình thức
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho biết ngay từ năm 2005, khi Luật PCTN ra đời, Quốc hội đã xác định đối tượng có thể tham nhũng là những người có chức, quyền. Tuy nhiên, từ đó tới nay, với việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện việc công khai, minh bạch tài sản nhằm PCTN trong cán bộ công chức vẫn còn mang tính hình thức và không kiểm soát nổi. Rất nhiều cán bộ công chức cứ kêu lương thấp nhưng lại sở hữu nhà lầu, xe hơi sang trọng; con cái du học nước ngoài,…
Ông Hậu lấy ví dụ về trường hợp công an bắt được kẻ trộm với tài sản trộm được trị giá hơn 3 tỉ đồng trong nhà của một cặp vợ chồng quan chức tỉnh Kon Tum. “Chắc chắn họ không kê khai số tài sản này hoặc cơ quan chủ quản của họ cũng không giám sát được việc họ có tài sản như thế nào. Nếu không bắt được trộm thì sao biết họ có số tài sản bạc tỉ cất trong nhà không được kê khai?” - ông Hậu nói.
Theo luật sư Hậu, chỉ trông chờ ý thức tự giác kê khai thì rất khó phát hiện cán bộ tham nhũng mà phải ban hành quy định bắt buộc đối với những tài sản lớn như mua bán ô tô, nhà đất,… thì phải thực hiện qua giao dịch ngân hàng. “Tôi thấy nhiều nước cách chức ngay những người kê khai tài sản sai. Ngoài ra, những người đứng đầu Nhà nước như tổng thống cũng công khai thu nhập của mình mỗi năm. Trên thực hiện nghiêm thì dưới mới làm được”- ông Hậu nhận định.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc kê khai tài sản cán bộ công chức, viên chức có thực hiện được nghiêm hay không phụ thuộc vào sự giám sát của đồng nghiệp và người dân cùng nơi sinh sống. “Phải quy định một người dân có quyền tìm hiểu tài sản của cán bộ công chức để giám sát. Hơn hết là cơ quan chủ quản cán bộ khi thấy những dấu hiệu bất thường trong kê khai phải xác minh ngay” - ông Hùng nói.
Lúng túng giải quyết Đại diện một số bộ, ngành và cấp sở ở Hà Nội cho biết việc kê khai tài sản gần như vẫn phụ thuộc vào tính tự giác của mỗi cán bộ. Hằng năm, các cơ quan chỉ làm động tác tổng hợp báo cáo bản kê khai rồi làm báo cáo gửi lên UBND TP Hà Nội. Vì vậy, liên quan vụ bà Phạm Mỹ Hoa, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, kê khai tài sản tăng lên hàng tỉ đồng trong năm 2012, hiện lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cũng chưa biết theo quy định hiện tại Sở có đủ thẩm quyền yêu cầu bà làm báo cáo giải trình nguồn gốc tài sản hay việc đó thuộc về UBND TP Hà Nội. |
Bình luận (0)