Ông Nguyễn Quốc Lập, nhà ngay đầu kênh Cầu Suối, cho biết nhiều hộ nuôi bò, heo vô tư xả nước thải cộng với rác do người dân bỏ xuống khiến con kênh luôn nghẹt, ứ đọng, rất hôi thối. Nhà ông Lập và hàng chục hộ dân gần kênh phải thường xuyên đóng kín cửa để tránh mùi hôi xộc vào.
“Không chỉ phải chịu đựng mùi hôi thối, chúng tôi còn hết sức khổ sở vì muỗi. Cứ chiều tối và sáng sớm, muỗi vo ve khắp nhà. Nhang muỗi trị không nổi, chúng tôi phải mua bình xịt loại tốt, mỗi tuần xài hết một bình mà vẫn không ăn thua” - ông Lập lo lắng.
Quan sát đoạn kênh này, chúng tôi giật mình bởi chỉ trong vài vũng nước nhỏ đã có hàng ngàn con lăng quăng đặc sệt, nhoi kín mặt nước. Chị Hà, nhà gần kênh Cầu Suối, cho biết: “Chúng tôi đã phản ánh và đề nghị chính quyền địa phương nên sớm nạo vét kênh. Mùa mưa sắp tới, không khéo thì sẽ phát sinh dịch sốt xuất huyết”.
Do con đường dân sinh cặp bờ kênh Cầu Suối không có cống thoát nước nên hầu hết nước thải sinh hoạt của người dân đều đổ xuống kênh này, chưa kể nước thải từ các quán ăn, quán nhậu dọc đường. Chỉ một đoạn kênh 50 m nhưng đã có gần 6 miệng cống nước thải đổ xuống.
Kênh Cầu Suối dài 3 km, chảy từ đường Nguyễn Ảnh Thủ - Tô Ký - Trung tâm Y tế quận 12 - Quốc lộ 1 rồi đổ ra kênh Tham Lương. Theo ông Phan Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chánh Hiệp, kênh này do Trung tâm Quản lý và Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM quản lý, do đó kế hoạch nạo vét hằng năm đều do đơn vị này thực hiện.
“Trước phản ánh của người dân, tháng 1-2014, UBND phường đã có văn bản kiến nghị trung tâm sớm có kế hoạch nạo vét, khai thông kênh để tránh tình trạng ô nhiễm và bùng phát muỗi gây bệnh cho bà con. Do kinh phí nạo vét rất tốn kém nên trước mắt, chúng tôi đề xuất thực hiện trước 3 đoạn: Giáp đường Nguyễn Ảnh Thủ, giáp Bệnh viện quận 12 và giáp Quốc lộ 1. Trung tâm cũng đã có kế hoạch làm cống hộp cho toàn tuyến kênh. UBND phường đang khảo sát, thống kê thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ, bồi thường” - ông Tâm cho biết.
Bình luận (0)