Theo quy hoạch, trước năm 2020, tỉnh Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc trung ương nhưng tình trạng kẹt xe đã xuất hiện, mà nặng nề nhất là ở các tuyến đường gần KCN, doanh nghiệp đông công nhân.
Xe cấp cứu cũng thua!
Lúc 17 giờ ngày 24-12, một xe cấp cứu của Bệnh viện Vạn Phúc (Bình Dương) liên tục phát đèn ưu tiên nhưng gần nửa giờ trôi qua vẫn đứng bất động giữa biển người. Tài xế nóng ruột: “Kiểu này thì chết, có người bị tai nạn giao thông đang chờ chúng tôi đến đưa đi bệnh viện”. Trong lúc xe cấp cứu của Bệnh viện Vạn Phúc còn “sa lầy” thì một chiếc xe cấp cứu khác của Phòng khám Đa khoa Quân y Bình Dương hú còi lao tới. Xe cấp cứu này đang chở một người lâm trọng bệnh, cần chuyển viện gấp. Tình huống nguy cấp, buộc tài xế của Phòng khám Đa khoa Quân y Bình Dương phải cho xe quay ngược lại để tìm đường vòng mà đi. Còn tài xế của Bệnh viện Vạn Phúc buộc phải quay về và gọi điện nhờ một chiếc taxi tới đón nạn nhân và chở đến bệnh viện.
Câu chuyện trên diễn ra ở Tỉnh lộ 743 (khu vực ngã ba K.J - gần Công ty K.J. Vina). Một nữ thợ may có nhà sát ngã ba này nói: “Công ty K.J. Vina có hàng ngàn công nhân, Công ty Chí Hùng gần đó cũng hơn 8.000 công nhân, chỉ cần họ băng ngang hay đi ẩu là ùn ứ”.
Theo khảo sát của chúng tôi, tình trạng kẹt xe vì “làn sóng công nhân” còn thường xuyên xảy ra trên tuyến đường từ KCN Sóng Thần đến ngã tư Miếu Ông Cù, Quốc lộ 13 (đoạn trước cổng KCN Việt Nam - Singapore). Anh Nguyễn Văn Thành, tài xế xe container chuyên chở hàng trên tuyến đường từ KCN Sóng Thần đến KCN Nam Tân, bức xúc: “Nhận chở hàng tầm 7 giờ hoặc 16 giờ 30 phút là tôi hồi hộp lắm. Giờ đó, công nhân từ các nhà máy túa ra đông nghịt, nhiều người chạy xe máy dàn hàng ngang hoặc ngược chiều, gây ách tắc giao thông”.
70% không có bằng lái
Về tình trạng kẹt xe liên tục tại khu vực ngã ba K.J, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thượng tá Nguyễn Thành Công, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đây là tuyến đường được phân cấp cho Công an thị xã Tân Uyên quản lý. “Tôi sẽ đề nghị Công an thị xã Tân Uyên rà soát, bố trí lực lượng phân luồng lại khu vực này để giảm thiểu kẹt xe” - thượng tá Công nói.
Giải thích về tình trạng ùn ứ quanh các tuyến đường gần KCN, doanh nghiệp lớn ở tỉnh Bình Dương, thượng tá Công cho rằng khi quy hoạch KCN, đáng lẽ phải làm đường nội bộ, đường gom công nhân lại di chuyển theo lối riêng. Tuy nhiên, do không có đường gom nên công nhân cứ chiếm hết làn đường ô tô, gây ùn tắc. “Chúng tôi khảo sát tại một số doanh nghiệp ở Bình Dương và ghi nhận tới 70% công nhân chưa có bằng lái xe máy” - ông Phạm Hồng Thắng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, thông tin. Theo ông Thắng, nhiều công nhân ý thức tham gia giao thông còn rất hạn chế. Tỉnh đoàn vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp dạy lái xe, luật giao thông ngay trong công ty để công nhân có thể theo học mà không mất ngày công lao động. Sau khi học luật xong, công nhân đến trung tâm sát hạch thi bằng lái xe với giá ưu đãi.
Nhờ tổ tự quản
Tại Bình Dương có hơn 1 triệu công nhân, lao động đang làm việc trong 26 KCN và công ty ngoài KCN. Áp lực giao thông vào giờ cao điểm là rất lớn nhưng theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, điều tiết giao thông của đơn vị này chỉ có 28 người. “Quân số toàn Phòng CSGT tỉnh Bình Dương còn ít hơn 1 trạm CSGT của TP HCM, trong khi tuyến đường chúng tôi làm nhiệm vụ rất dài, chạy qua nhiều KCN, doanh nghiệp lớn” - lãnh đạo phòng CSGT nêu thực trạng.
Để “chia lửa” với CSGT, gần đây, chính quyền tỉnh Bình Dương đã cho thành lập các tổ tự quản gìn giữ an toàn giao thông. Đơn cử như tại phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, nhiều thanh niên địa phương tình nguyện ra đường lập thành một hàng rào để công nhân đi ngay hàng thẳng lối, tránh gây ùn tắc. Tuy nhiên, chỉ cần tổ tự quản này xuất hiện muộn hoặc không làm nhiệm vụ là đường sá lại “đóng băng”.
Bình luận (0)