Tại phiên họp tổ Quốc hội (QH) chiều 25-5 về báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 2016-2017 của Chính phủ, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) lên tiếng mạnh mẽ về việc phải bảo vệ môi trường. Ông thẳng thắn: "GDP lạc hậu rồi, đừng có cắm đầu vào GDP, cái giá phải trả là gì, môi trường, con người, y tế, giáo dục, cái giá dài hạn… Có nên bình tĩnh lại?".
ĐB Nghĩa cho rằng tăng trưởng mục tiêu phải phục vụ cho con người, nguồn lực cũng phải dựa vào con người, môi trường kinh tế, thiên nhiên, xã hội nhưng giải pháp về môi trường quá ít.
"Lạm phát con số chúng ta có ở đây khác với lạm phát hàng ngày của người dân. Người ta nói đi chợ 5 năm trước có 100.000 đồng mua được cái gì, 5 năm sau 100.000 đồng mua được cái gì. Nó tác động tới bữa ăn hàng ngày của người lao động"- ông ví von.
Ông đề cập tiếp: "Với công nhân, tỉ lệ thực phẩm chất lượng kém rất nhiều thì không thấy giải pháp. Nông dân làm ra của cải để xuất khẩu nhưng khâu trung gian quá nhiều nên nông dân được hưởng lợi rất ít, đời sống ngày càng kém đi, thua lỗ nợ nần, con cái bỏ học... Vừa rồi đã có báo động và người ta rất lo là tăng giá dịch vụ y tế. Dịch vụ y tế không thể không tăng giá, nhưng sức chịu đựng của người dân, nhất là một tầng lớp thu nhập thấp rất nặng. Từ đó đẻ ra thất học, tệ nạn, nhập cư bừa bãi… "
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ thiên nhiên
Mặt khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa tiếp tục đề nghị phải thêm vào báo cáo của Chính phủ và QH về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thiên nhiên, di sản.
"Tôi nêu ví dụ như Sơn Trà, Cát Bà, Hạ Long, Sơn Đòong, những tài nguyên thiên nhiên này giá trị cực lớn, của nhiều thế hệ. Giữ cái đó chính là tiền của, thiên nhiên. Người ta đến đây hưởng thiên nhiên chứ không phải xem cột nhà. Nếu Sơn Trà xây một loạt biệt thự thì thế giới đâu có thiếu!"- ĐB đến từ TP HCM đặt vấn đề, đồng thời khẳng định bảo tồn cảnh quan thiên nhiên mới là thu hút tiền, đồng thời bảo vệ được di sản, con người.
Nói thêm về việc khai thác cát, ĐB Nghĩa nhận xét: Mười mấy năm qua, cuộc chiến chống khai thác cát bừa bãi, xuất khẩu ồ ạt, khai thác cát lậu vẫn tiếp diễn. "Con số chính thức báo đăng chúng ta xuất khẩu sang Singapore 67 triệu m3, còn khai thác cát lậu trong nước là bao nhiêu? Đến bây giờ sạt lở ở ĐBSCL, ở Bắc Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai… như thế thì bây giờ ngồi đây chẳng có giải pháp gì.
"Đề nghị Chính phủ kiểm điểm 10 năm qua ai ra chủ trương, chủ trương đó đúng hay sai? Hay chủ trương đó đúng mà làm sai, nếu sai ai chịu trách nhiệm? Hàng trăm triệu tấn cát, trong đó có 67 triệu m3 cát sang Singapore vào túi của ai? Người dân ở các khu vực khai thác được bao nhiêu? Tư nhân được bao nhiêu? Tư nhân đó là ai? Cái giá khai thác cát ở khắp các con sông là gì? Chúng ta phải trả lời với nhau"- ông Trương Trọng Nghĩa gay gắt.
Bình luận (0)