Đúng 8 giờ ngày 1-10, trong tiết trời nắng ấm, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cùng lãnh đạo TP Hà Nội đã chính thức khai mạc 10 ngày đại lễ. Sau lễ khai mạc, xung quanh khu vực hồ Gươm trở thành ngày hội văn hóa, tràn ngập sắc màu và âm thanh.
Lễ hội áo dài trên cầu Thê Húc. Ảnh: Mạnh Duy
Hội tụ hồn thiêng sông núi
Từ 6 giờ, dòng người từ khắp nơi trong TP đã đổ về phía hồ Gươm. Ở khu vực sân khấu số 1 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, từ 7 giờ, từng đoàn khách mời trong nước, quốc tế và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và TP Hà Nội; đại diện các bà mẹ VN anh hùng, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân thủ đô đã có mặt. Trên khuôn mặt mọi người đều thể hiện sự hân hoan, mong ngóng thời khắc lịch sử.
Đúng 8 giờ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghi lễ thắp ngọn lửa thiêng trên đài đuốc giữa hai hàng kiêu binh và tiếng nhạc oai hùng từ đoàn quân nhạc, chính thức mở màn cho 10 ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Tiếp đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội đã làm lễ dâng hương trước tượng vua Lý Thái Tổ.
Trong 5 phút thiêng liêng diễn ra lễ dâng hương, cả khu vực diễn ra lễ khai mạc bỗng chuyển sang không khí trầm mặc, im lặng lạ thường, hồi tưởng về trí tuệ và hào khí cha ông gầy dựng một Thăng Long bản sắc, kiêu hùng đến một Hà Nội hiện đại, hào hoa trong thời khắc hồn thiêng sông núi hội tụ.
Hồ Hoàn Kiếm, hôm nay bỗng đẹp lạ lùng và cũng rất đỗi thiêng liêng. Ông Lê Văn Thọ, ở phố Hàng Bạc, đã sống qua thời điểm đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô năm 1954, tâm sự: “Với những người Hà Nội, đây là một thời khắc đặc biệt. Chúng tôi cảm thấy vinh dự và may mắn khi có mặt ở thời khắc này”.
Kết nối quá khứ - tương lai
8 giờ 15 phút, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị đọc diễn văn khai mạc nói về cuộc dời đô lịch sử của vua Lý Thái Tổ về Thăng Long và phác thảo lịch sử hào hùng, bất khuất, anh dũng và đầy hiển hách của Thăng Long – Hà Nội 1.000 năm tuổi. Diễn văn bày tỏ lòng thành kính và biết ơn tổ tiên trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, cùng chung tay xây dựng đất nước VN ngày càng giàu đẹp, văn minh. Cuộc dời đô lịch sử về châu thổ sông Hồng khẳng định xây nền độc lập, thống nhất quốc gia, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của nước Đại Việt.
Ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh truyền thống oai hùng của Thăng Long - Hà Nội luôn được tiếp nối bằng những chiến công hiển hách như Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ trên không... Thăng Long - Hà Nội là nơi tập trung những anh hùng hào kiệt lưu danh cùng sông núi, là nơi hội tụ, hun đúc và lắng đọng các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc VN kết hợp với tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh nhân loại. “Chúng ta tự hào với di sản văn hóa lâu đời, thiêng liêng và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội, với những áng văn bất hủ, mang hùng khí non sông như Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn Độc lập” - ông Phạm Quang Nghị nói. Sau phần lễ kết thúc, ban tổ chức đã thả 1.000 con chim bồ câu, biểu tượng cho khát vọng hòa bình của dân tộc từ mô hình trái đất.
200 kiều bào tiêu biểu về dự đại lễ. Khoảng 200 đại biểu kiều bào từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đã về nước tham dự đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các đại biểu trong đoàn là những người ưu tú, đại diện cho các thế hệ kiều bào qua các thời kỳ.
Tháp Rùa lung linh trong đêm mở màn Đại lễ Ảnh: M.Duy
Đoàn có chương trình hoạt động phong phú trong 10 ngày đại lễ, tham gia các buổi lễ diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Hoàng thành Thăng Long...
Đêm hồ Gươm lung linh trong ánh sáng muôn màu của công nghệ laser và pháo hoa nghệ thuật của lễ hội ánh sáng.
Ảnh: M.Duy
Người mẫu Hương Giang- top 20 người đẹp nhất thế giới, đã rất vui khi được góp mặt trong phần trình diễn áo dài. Ảnh: M.Duy
Hồ Gươm rực rỡ với những tà áo dài ba miền Bắc - Trung - Nam trên cầu Thê Húc màu son. 1.000 bộ áo dài được trình diễn bởi hơn 200 người mẫu, hoa hậu, á hậu đã đem đến cho hàng vạn khán giả những ấn tượng sâu đậm về nét đẹp VN, văn hóa VN.
Hồ Hoàn Kiếm "khoác" lên mình chiếc áo ánh sáng ngoạn mục đầy sắc màu.
Ảnh: M.Duy
Cụ rùa nổi trong ngày khai mạc đại lễ. Sáng 1-10, ngay sau lễ khai mạc đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cụ rùa Hồ Gươm đã liên tục nổi lên. Ban đầu, cụ nổi nhiều lần ở khu vực gần đền Ngọc Sơn, phía đường Đinh Tiên Hoàng, sau đó cụ bơi dọc đường Đinh Tiên Hoàng, hướng ra ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay. Hàng ngàn người dân cùng bước chân theo hướng bơi của cụ rùa.
Y. Anh - B.Diệp |
Bình luận (0)