Những điệu múa cổ đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội sẽ được trình diễn tại vườn hoa Lý Thái Tổ vào tối nay, 4-10, với hàng ngàn diễn viên múa là các “nghệ sĩ nhân dân”. Đêm Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa này hấp dẫn không chỉ ở quy mô mà còn cả sự độc đáo ít có của nó. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1, lúc 20 giờ.
Múa Tiên của làng Lộ Khê, huyện Đông Anh. ảnh: Hoàng Hà
Sức hấp dẫn từ “nghệ sĩ làng, xã”
NSND Chu Thúy Quỳnh, tổng đạo diễn chương trình, cho biết chương trình gồm ba phần: Lửa thiêng Hà Nội mở hội ngàn năm, Những dấu xưa (trình diễn các điệu múa cổ) và màn kết Thăng Long mừng chiến thắng.
Kịch bản được xây dựng từ những ngày hoang sơ của Thăng Long đến khi mảnh đất này sinh sôi, phát triển. Ngoài phần mở đầu và kết thúc do các nghệ sĩ chuyên nghiệp trình diễn, phần xương sống của chương trình (12 điệu múa cổ) sẽ do các nghệ nhân dân gian và nhân dân các làng, xã biểu diễn để bảo đảm sự chân thực, thần thái tự nhiên và thăng hoa nhất. Đây cũng chính là sự độc đáo, hấp dẫn mà các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp khó có được.
Khán giả sẽ bị cuốn hút bởi màn múa Chạy cờ do các nghệ nhân làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì - TP Hà Nội thể hiện. Đây là điệu múa trong lễ hội của làng, diễn ra trong tiếng hò, trống phách với từng tốp cờ, vừa múa vừa chạy, tạo khí thế như những cánh quân tụ họp với nhau thành sức mạnh đoàn kết để chiến thắng mọi kẻ thù.
Bên cạnh đó là màn múa Thiên long bát bộ của các nhà sư chùa Đống Lim ở quận Long Biên - TP Hà Nội. Màn múa này gây ấn tượng với biểu hiện quyền uy và sức mạnh phi thường của võ thuật, thường được trình diễn trong những dịp lễ hội Phật giáo, khánh thành chùa, tổ đường, cầu siêu... cầu mong quốc thái dân an.
Múa Bài bông của làng Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên) với nội dung ca ngợi đất nước, cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa, múa Lục cúng trong những ngày lễ Vu lan cũng được hòa thượng Thích Quang Hy, trụ trì chùa Minh Quang (quận Đống Đa) và các nhà tu trình diễn; cùng nhiều điệu múa khác: múa trống bồng (làng Triều Khúc), múa trống cổ (làng Phú Xuyên, Hà Tây cũ), múa giảo long (làng Lệ Mật, Long Biên), múa của làng Phù Đổng, Gia Lâm (ghép 4 điệu: múa ông Hổ, múa ông hiệu trống, hiệu chiêng, hiệu cờ), múa Giải oan thích kết...
Tinh hoa văn hóa dân tộc
Thăng Long - Kẻ Chợ là đất tụ hội trăm vùng, vì vậy tại các làng, xã ở đây có khá nhiều điệu múa cổ. Các điệu múa này không chỉ bắt nguồn từ lao động sản xuất mà còn có xuất xứ từ tôn giáo hay các tích trong dân gian, chúng tồn tại qua hình thức truyền khẩu trong sinh hoạt dân gian, sinh hoạt tâm linh.
Nhiều làng, xã của Hà Nội còn lưu giữ được những điệu múa rất lâu đời và được trình diễn trong các lễ hội truyền thống hằng năm, như: Múa rồng, bồng, múa cờ ở Triều Khúc, múa đèn trong lễ hội đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân, múa rắn ở Lệ Mật, múa rồng lửa ở Khương Thượng, múa cởi yếm mo ở Đường Yên, múa chén ở làng Mọc, múa roi ở làng Cót...
Các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội đã trở thành tinh hoa văn hóa của dân tộc, thể hiện nét đặc trưng của nền văn minh sông Hồng.
Ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Múa cổ Hà Nội, cho biết dự án “Phục hồi và phát triển múa cổ Thăng Long - Hà Nội” do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đảm nhận đã thực hiện từ năm 2005 đến 2010...
Các nghệ sĩ múa đã chia nhau đi tìm các nghệ nhân còn sót lại ở vùng quê, ở ngõ ngách của các quận, huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thanh Trì, Tây Hồ, Đống Đa, Long Biên, Hoàng Mai. Họ lần theo các địa chỉ trong sử sách, theo lời kể và các văn bia để phục hồi và phát triển múa cổ.
Không chỉ tìm được các nghệ nhân cao tuổi, như cụ Kim Đức, cụ Lương Đức Nghi, cụ Nguyễn Thị Ga, cụ Triệu Đình Hồng, dự án còn thuyết phục được cả các nhà sư tham gia tập và trình diễn điệu múa Lục cúng.
Sau gần 4 năm vất vả, các nghệ sĩ múa Hà Nội đã khai thác được 28 điệu múa cổ có giá trị như múa hội trống cổ (xã Phú Mỹ, Phú Xuyên), múa Tứ linh (làng Lỗ Khê, Đông Anh), múa vật, múa chạy cờ (làng Triều Khúc, Thanh Trì), múa Thị Hồ - Huỳnh Cân (chùa Đống Lim, Long Biên), múa lễ chữ (làng Chử Xá, Văn Đức, Gia Lâm)...
Truyền cảm mạnh mẽ
Làm thế nào để múa cổ sống lâu hơn, đến gần hơn với đời sống xã hội hiện đại? NSND Chu Thúy Quỳnh cho biết nhiều năm nay, múa cổ đã được các nghệ nhân lớp trước dạy lại cho lớp con cháu.
Đám trai trẻ của làng quê thuần nông Chử Xá, huyện Gia Lâm đều được học múa và những nghi lễ trong phần múa lễ chữ từ rất sớm bởi với họ, được làm việc cho làng là một vinh dự. Lớn hơn một chút, chừng ngoài 30 tuổi, các diễn viên múa đã chuyển nghề dạy múa cho đàn em.
Không chỉ biểu diễn ở địa phương, những điệu múa cổ còn có nhiều cơ hội phát triển qua các cuộc liên hoan do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức.
Đã có 3 cuộc liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội được tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ, đó là dịp Tết năm 2007 (năm Đinh Hợi) với 11 điệu múa, Tết năm 2008 (năm Mậu Tý) có 9 điệu múa, lần thứ 3 năm 2009 (Kỷ Sửu) có 9 điệu múa.
Các điệu múa do chính những nghệ sĩ làng, xã biểu diễn đã tạo nên sức truyền cảm mạnh mẽ đến người xem cả ở hình thức lẫn ngôn ngữ âm nhạc...
Theo NSND Chu Thúy Quỳnh, giới nghệ sĩ múa chuyên nghiệp có thể học hỏi, khai thác từ vốn cổ này để làm phong phú nghệ thuật múa hiện đại. |
Bình luận (0)