Những ngày qua, thường xuyên có hàng trăm ghe hút cát trái phép quần thảo sông Cái, tỉnh Khánh Hòa trước sự bất lực của lực lượng chức năng.
Tại khu vực Thông Hạ, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, chỉ một đoạn sông ngắn vài trăm mét nhưng gần chục chiếc ghe thay nhau hút cát, mỗi ghe có từ 1-2 người. Các đối tượng gắn ống hút vào sào tre lớn rồi đâm xuống dòng sông. Kể từ khi dừng ghe đến khi hút đầy khoang mất chưa đến 20 phút. Các ghe hút xong tập kết cát ngay tại bãi rồi tiếp tục “rút ruột” lòng sông. Ở đây có khoảng 6 bãi tập kết cát, nhiều bãi quy mô lớn với xe múc, băng chuyền, các xe tải ra vào có tải trọng lớn để phục vụ cho việc mua bán cát.
Những bãi này của các ông D.Q.P, V.Đ.T, H.N.T… thuê trồng cây nhưng tự ý mở đường ra ven sông, tập trung mua bán cát trái phép. Giá cát từ 350.000-420.000 đồng/xe (2,5 m3) tùy loại và đoạn đường. Mỗi ghe có thể thu 2-4 triệu đồng/ngày, với lợi nhuận này khiến nạn “cát tặc” rất khó triệt xóa.
UBND huyện Diên Khánh thừa nhận việc xử lý khai thác cát trái phép trên sông Cái chưa triệt để, chỉ lắng dịu được một thời gian rồi tái diễn. Trên địa bàn các xã của huyện hiện có đến 22 bãi tập kết cát trái phép dọc sông Cái.
Trên sông Hương (tỉnh Thừa Thiên - Huế), nạn khai thác cát lậu cũng đang diễn ra công khai. Chưa đầy 23 giờ, chúng tôi có mặt trên khúc sông gần trụ sở UBND xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà và phát hiện 2 chiếc thuyền thi nhau hút cát. Cách đó không xa, trên đoạn sông khoảng 1 km là cảnh khai thác cát tấp nập. “Cát tặc” chia thành nhiều điểm, mỗi điểm có từ 2-5 thuyền thọc vòi xuống đáy sông hút rầm rập. Hơn 3 giờ sáng, sau khi hút đầy cát, những chiếc thuyền này bắt đầu xuôi dòng đưa cát đi bán.
Theo dấu “cát tặc”, chúng tôi ngược về phía hạ nguồn sông Hương. Tại khu vực cầu Phú Xuân (TP Huế), từ 4 giờ - 5 giờ 30 phút, hơn 10 phương tiện gồm sà lan và thuyền tập kết cát vào đây.
Mặc dù mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành chỉ thị cấm các phương tiện vận chuyển vật liệu cát, sỏi không được lưu thông trên sông Hương (đoạn từ cầu Dã Viên đến Cồn Hến thuộc TP Huế) từ 17 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau nhưng các phương tiện trên vẫn đi vào, chẳng bị lực lượng nào kiểm tra.
Mấy năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tràn lan, phức tạp trên nhiều con sông tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa khiến hàng trăm hecta đất bãi bồi ven sông bị nuốt chửng. Tuy nhiên, việc khai thác cát lậu vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Theo số liệu báo cáo gần nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện tỉnh này có 62 bãi tập kết cát, trong đó 47 bãi có phép, còn 15 bãi trái phép. Các bãi tập kết cát được cấp phép, hầu hết các chủ bãi không thực hiện cắm mốc giới bãi, tập kết cát ra sát bờ sông, nhiều bãi đã vi phạm Luật Đê điều, gây nguy cơ sạt lở bãi sông và mất an toàn cho công trình đê điều. Trên các tuyến sông, hiện có 22 mỏ khai thác cát được UBND tỉnh cấp phép, trong đó 6 mỏ tạm dừng khai thác.
Thừa nhận sai trong vụ hút cát sông Đà Rằng
Tại cuộc họp giao ban báo chí quý I/2017 vào chiều 7-4, UBND tỉnh Phú Yên cung cấp một số thông tin liên quan đến “Một vụ hút cát khó hiểu ở Phú Yên” mà Báo Người Lao Động đã thông tin ngày 6-4. Trong vụ việc này, chủ đầu tư của dự án Khu Đô thị mới TP Tuy Hòa là Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên đã cho đơn vị thi công là Tổng Công ty Thành Trung (Thanh Hóa) hút gần 1,1 triệu m3 cát trên sông Đà Rằng từ tháng 10-2016, khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ông Đỗ Trần Chương, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên (chủ đầu tư dự án), thừa nhận việc để chủ đầu tư cho hút cát san nền khi chưa có ĐTM là sai.
Chủ trì hội nghị, ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng trong việc triển khai một số dự án vừa qua, mặc dù được tỉnh chuẩn bị rất kỹ nhưng không thể tránh khỏi những sai sót ở cấp này cấp kia. “Rất cảm ơn các cơ quan báo chí khi kịp thời phản ánh cả những mặt tốt và chưa tốt để phản biện, góp ý vì mục đích chung. Tỉnh Phú Yên đã hết sức cầu thị, tiếp thu, đã kịp thời rà soát những dự án đó còn thiếu sót chỗ nào để làm rõ thông tin báo chí nêu. Qua đó, khắc phục những chỗ còn làm chưa tốt” - ông Phùng nói.
Bình luận (0)